Công an Tánh Linh: Nỗ lực làm công tác trợ giúp pháp lý

Để không bỏ lọt đối tượng được trợ giúp pháp lý, thời gian qua Công an huyện Tánh Linh phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân huyện và Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước Bình Thuận làm tốt công tác này.

Thượng tá Hoàng Văn Thuần – Phó Trưởng Công an huyện Tánh Linh báo cáo với đoàn kiểm tra về công tác TGPL.

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng yếu thế trong xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Theo đó, có 14 nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý gồm: người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

Đoàn công tác của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL kiểm tra tại nhà tạm giữ Công an huyện Tánh Linh.

Nhận biết tầm quan trọng của chính sách, thời gian qua Công an Tánh Linh đã phối hợp Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân huyện nỗ lực soát xét các đối tượng được trợ giúp pháp lý trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án. Phát hiện đối tượng nào thông báo với Trung tâm Trợ giúp pháp lý cử người đi tham gia tố tụng tại các phiên tòa. Ngoài ra niêm yết bảng thông tin về chính sách trợ giúp pháp lý trước trụ sở cơ quan để người dân biết, tuyên truyền đến mọi người. Nhờ vậy, từ đầu năm 2022 đến nay tạo điều kiện cho 12 lượt trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL tỉnh bào chữa cho 12 bị can trong 9 vụ án hình sự. Ngoài ra đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, đăng ký bào chữa, giấy đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhiều trường hợp.

Thượng tá Hoàng Văn Thuần – Phó trưởng Công an huyện thông tin tại buổi làm việc kiểm tra, đánh giá kết quả công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2023 của Đoàn công tác Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh: Công an Tánh Linh thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai bảng thông tin về TGPL trong từng phòng tạm giam, tạm giữ và tại nơi tiếp thăm nuôi của nhà tạm giữ Công an huyện. Bố trí 1 phòng làm việc tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can…

Bên cạnh đó, các điều tra viên, cán bộ điều tra, trưởng nhà tạm giữ, cán bộ trực nhà tạm giữ thường xuyên giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị hại, đương sự... biết về quyền được TGPL miễn phí. Cung cấp bảng thông tin về người được TGPL và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin TGPL. Nếu đối tượng thuộc TGPL thì hướng dẫn họ viết đơn, cung cấp biểu mẫu có liên quan về yêu cầu TGPL. Tạo điều kiện cho trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý, người được TGPL thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật.

Tuy vậy so với thực tế thì những nỗ lực ấy vẫn chưa thấm vào đâu, bởi còn nhiều đối tượng được TGPL chưa tiếp cận được với chính sách này. Ông Đặng Văn Đào, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh đề nghị các cấp, ngành, đặc biệt các cơ quan tố tụng quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác này. Bởi qua thực tế cho thấy, công tác TGPL còn hạn chế ở nhiều khâu, nhất là chưa thực sự quan tâm đến đối tượng yếu thế thuộc diện TGPL.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/cong-an-tanh-linh-no-luc-lam-cong-tac-tro-giup-phap-ly-110002.html