Công an tỉnh Bình Phước đấu tranh quyết liệt với tội phạm 'tín dụng đen'
Cuối tháng 10/2022, Công an huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước tiếp nhận một thông tin có liên quan tới các hoạt động đòi nợ tại địa bàn của thôn 3, xã Bom Bo.
Qua nắm tình hình và thu thập các thông tin tài liệu, trinh sát hình sự xác định được người bị đòi nợ là anh Nguyễn Tiến Giang.
Làm việc với anh Giang, lúc đầu anh không hợp tác vì sợ bị đối tượng trả thù và ngại với bà con dòng họ. Mất một thời gian thuyết phục, vận động anh Giang mới hiểu ra và chịu hợp tác, khai báo việc mình vay nợ và bị đòi nợ là xuất phát từ các hoạt động vay nóng tiền của một người tên là Nguyễn Bích Đào.
Ngày 25/12/2022, tại một quán cà phê ở thôn 3, xã Bom Bo, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Bù Đăng và Công an xã Bom Bo đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Bích Đào, 42 tuổi, ngụ thôn 3, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, đang nhận số tiền lãi 30 triệu đồng của anh Nguyễn Tiến Giang. Từ đây, cơ quan Công an mở rộng điều tra và xác định được có một nhóm đối tượng tại xã Bom Bo tổ chức hoạt động “tín dụng đen” và đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá. Trong vụ án này, cơ quan Công an xác định được có người đã phải vay “tín dụng đen” với lãi suất lên đến 1.460%/năm.
Anh Nguyễn Tiến Giang, nạn nhân của tín dụng đen cho biết: “Đầu tiên, em vay 20 triệu, lãi suất là 40 ngàn/1 triệu/ngày, cắt đầu trước ba ngày để lại 2,4 triệu lấy ra được có mười mấy triệu thôi. Cứ 3 ngày đóng lời một lần, đóng được hơn một tháng thì em không đóng được nữa. Em kẹt quá nên nói chị Đào cho em thiếu nợ lại. Từ tháng 7/2022 tới cuối năm 2022 dương lịch, chị cộng tiền tính cho em là cả gốc cả lời lên tới 137 triệu”. Với cách tính lãi theo ngày như vậy, tính ra anh Giang phải trả lãi suất lên đến 1.460%/năm. Lãi mẹ lại đẻ lãi con, vay 2 lần, mỗi lần 20 triệu, nhưng chỉ từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022, anh Giang đã trả cho Đào gần 500 triệu đồng nhưng số tiền nợ vẫn còn 570 triệu đồng.
Thiếu tá Trịnh Ngọc Thạch, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Bù Đăng cho biết: Hệ lụy của “tín dụng đen” gây ra hậu quả rất lớn, nó phát sinh ra những loại tội phạm cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây bức xúc và nhức nhối trong dư luận quần chúng nhân dân”. Mối nguy hiểm của “tín dụng đen” với đời sống xã hội và tình hình ANTT rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít người dù bị dính vào bẫy “tín dụng đen” nhưng vẫn không dám công khai để cơ quan Công an giúp đỡ và đấu tranh với loại tội phạm này. Điều này lý giải tại sao “tín dụng đen” vẫn còn đất sống và đang lan tràn về vùng nông thôn, kéo theo số nạn nhân của “tín dụng đen” ngày càng nhiều, tiềm ẩn những yếu tố phức tạp! Đây cũng là nguyên nhân đã gây khó khăn cho lực lượng Công an trong phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.
Từ thực tế trên, để có thể chặn đứng vòi bạch tuộc “tín dụng đen”, cần sự lên tiếng của nạn nhân, chủ động hợp tác để bảo vệ chính mình để góp phần cùng lực lượng Công an đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này.