Công an tỉnh Điện Biên điều tra vụ án giả mạo giấy tờ kêu gọi từ thiện
Công an tỉnh Điện Biên đang điều tra làm rõ vụ việc xuất hiện đối tượng làm giả giấy tờ bệnh viện, kêu gọi quyên góp tiền chữa bệnh nhằm trục lợi.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên thông tin cơ quan công an đang vào cuộc điều tra đối tượng trục lợi bằng cách làm giả giấy tờ của Bệnh viện, sau đó đăng tải lên mạng xã hội để quyên góp tiền chữa bệnh.
Bài đăng trên mạng xã hội đính kèm giấy xác nhận nằm viện của Bệnh viện đa khoa Điện Biên có nội dung kêu gọi hỗ trợ cho bệnh nhân Hoàng Trọng Hiếu, sinh năm 2015. Theo bài viết, người đăng là bố của cháu Hoàng Trọng Hiếu - tên Hoàng Công Trường. Nick Facebook này viết "Do bị ngã xe nên trong não có máu bầm, bác sĩ yêu cầu phải mổ gấp. Tuy nhiên, chi phí phẫu thuật 20 triệu đồng, đã tạm ứng 15 triệu đồng, còn thiếu 5 triệu nhưng gia đình hết khả năng nên mong cộng đồng giúp đỡ", cùng với đó là hình ảnh cháu bé bị băng bó ở đầu.
Tài khoản này còn đăng tải hình ảnh giấy "xác nhận nằm viện" do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cấp ngày 1/2, Giám đốc Bệnh viện Phạm Văn Mẫn ký, đóng dấu đỏ và bác sĩ điều trị là Huỳnh Minh Thu.
Theo bà Nguyễn Thị Hiên, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa Điện Biên, bệnh viện không có bác sĩ nào tên là Huỳnh Minh Thu, không có bệnh nhân Hoàng Trọng Hiếu. Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Mẫn cũng đã chuyển công tác lên Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên.
Phó trưởng phòng Công tác Xã hội cũng thông tin trước đây, từng có những tài khoản tự kêu gọi ủng hộ, từ thiện nhưng đơn vị đã trực tiếp xác nhận về thông tin bệnh nhân, kịp thời ngăn chặn những hành động sai trái; giúp lòng tốt của mạnh thường quân đến đúng địa chỉ.
Theo Công an tỉnh Điện Biên, trên mạng xã hội hiện vẫn tồn tại rất nhiều dạng lừa đảo thông qua hoạt động từ thiện tương tự các vụ việc nêu trên. Để tránh đặt lòng tốt không đúng chỗ, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội, không để các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các nhà hảo tâm nên liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để xác định chính xác thông tin hoặc ủng hộ, đóng góp tiền, vật chất tại các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, tổ chức, đoàn thể, quỹ xã hội được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.