Công an tỉnh Đồng Nai tập trung đấu tranh với vi phạm pháp luật về môi trường
Từ khi thành lập cho đến nay, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về Môi trường (CSMT) đã phát hiện hàng trăm ngàn vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm (ATTP), khởi tố và đề nghị khởi tố hàng ngàn vụ việc.
Một vụ việc vi phạm nghiêm trọng về chôn lấp chất thải nguy hại vừa được lực lượng CSMT Đồng Nai phát hiện vào ngày 24/4 với 42 tấn chất thải nguy hại chưa được xử lý tại xí nghiệp đèn ống của Công ty Điện Quang (KCN Biên Hòa 1, TP Biên Hòa). Lượng lớn chất thải nguy hại này được phát hiện qua quá trình tiến hành khai quật các vị trí bên trong xí nghiệp đèn ống của Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang.
Tại đây, CSMT Công an tỉnh đã phát hiện khu hầm bê tông thiết kế âm dưới đất bên trong xí nghiệp và ngoài sân đổ hơn 42 tấn chất thải là miếng thủy tinh nhiễm chất thải nguy hại và nước thải từ quá trình xay nghiền bóng đèn thải.
Qua kiểm tra nhanh, nước thải tại đây, độ PH vượt 7 lần cho phép. Kiểm tra bên trong xí nghiệp này, lực lượng chức năng còn phát hiện 2 hầm bê tông được xây dựng âm dưới đất có chứa chất thải công nghiệp, nghi chứa chất thải trong quá trình xay nghiền vỏ bóng đèn.
Theo cơ quan chức năng, xí nghiệp đèn ống của Công ty Bóng đèn Điện Quang không thu gom chất thải để xử lý theo quy định, tự xử lý các loại chất thải không được đăng ký trong các thủ tục được cơ quan chức năng cho phép, chôn lấp các loại chất thải nguy hại trái quy định tại khuôn viên của công ty.
Cũng tại hội thảo phòng, chống tội phạm về môi trường được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, đại diện Phòng CSMT Công an tỉnh Long An cho biết một vụ chôn lấp chất thải nguy hại với khối lượng lên tới hàng trăm tấn đã được CSMT Công an Long An phát hiện vào năm 2019.
Công ty vi phạm là Công ty TNHH một thành viên Cần Tiến Đạt (địa chỉ số 299, ấp 9, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) do ông Đặng Văn Đáo làm Giám đốc có hành vi chôn lấp chất thải trái pháp luật. Công ty Cần Tiến Đạt cho xe tải đến Công ty TNHH cơ khí chính xác Mien Hua (quốc lộ 1A, phường Tân Khánh, TP Tân An- tỉnh Long An) để chở chất thải về chôn ngay trong ao nước trong khuôn viên của công ty với tổng khối lượng trên 100 tấn.
Theo đại diện của Phòng CSMT Công an tỉnh Long An, dù đã được lực lượng CSMT đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm minh nhưng thực trạng công tác thu gom chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp vẫn chưa triệt để. Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhưng không được phê duyệt chủ trương đầu tư, không lập hồ sơ môi trường. Quá trình sản xuất phát sinh chất thải nhưng xử lý không đạt hoặc không có chức năng xử lý chất thải, tự ý chôn lấp chất thải không đúng quy định.
Theo báo cáo của Cục CSMT, từ năm 2008 đến hết 2021, toàn lực lượng CSMT đã phát hiện, xử lý 204.589 vụ với 209.626 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên ATTP. Trong đó đề nghị khởi tố 3.273 vụ với 4.874 đối tượng. Đặc biệt đã điều tra, xử lý nhiều vụ án vi phạm môi trường. Tuy nhiên, số vụ khởi tố và đề nghị khởi tố còn ít, chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 1,6 /% trên tổng số vụ toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý. Do việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, tổ chức phạm tội về môi trường và tiến hành các hoạt động điều tra tội phạm về môi trường của lực lượng CSMT còn có nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo phân tích của Thiếu tá Đoàn Thị Thúy Loan, Giảng viên khoa CSMT - Học viện CSND, trước hết tội phạm về môi trường theo Bộ luật Hình sự năm 2015 không có tội phạm nào được phân loại là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, không có hình phạt nào quá 15 năm đối với tội phạm về môi trường trong khi hậu quả của loại tội phạm này ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người là rất lớn. Do đó, với khung hình phạt này chưa đủ sức răn đe các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
Căn cứ vào thẩm quyền tiến hành hoạt động tố tụng hình sự, lực lượng CSMT là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như khởi tố vụ án, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản, tích trữ tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ cho cơ quan CSĐT có thẩm quyền trong thời hạn. Tuy nhiên, cũng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trừ hoạt động khởi tố vụ án, các hoạt động điều tra còn lại đều quy định việc tiến hành là điều tra viên.
Ngoài ra, các công tác định lượng, phân tích, giám định mẫu vật để xác định tính chất, mức độ vi phạm làm căn cứ xử lý hình sự, hay việc thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm để phục vụ công tác điều tra cũng còn khó khăn, bị động.
Theo Trung tá Vũ Ngọc Vụ, Phó trưởng Khoa CSĐT Đại học CSND, CSMT có chức năng tham gia vào quá trình điều tra ban đầu chứng minh tội phạm. Khó khăn là chưa có điều tra viên thực hiện các hoạt động này theo trình tự điều tra tố tụng. Để đảm bảo hiệu quả công tác, rất cần có sự phối hợp với Cơ quan điều tra. Quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường lại liên quan tới rất nhiều lĩnh vực. Lực lượng CSMT rất cần những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về ô nhiễm môi trường, kiến thức về dịch, về lĩnh vực tài nguyên môi trường… để đấu tranh với tội phạm này. Rất cần nhận thức đầy đủ về văn bản, pháp luật liên quan Bộ luật Tố tụng Hình sự, Pháp lệnh CSMT, nghị định, thông tư hướng dẫn đảm bảo thực hiện giai đoạn điều tra ban đầu đúng pháp luật.