Công an tỉnh: Mở đợt cao điểm tấn công tội phạm 'tín dụng đen'

Sau thời gian tạm lắng, tội phạm 'tín dụng đen' lại tiếp tục hoạt động trở lại với thủ đoạn ngày càng tinh vi, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại tội phạm khác. Trước tình hình trên, Công an (CA) tỉnh đang phối hợp với các ngành liên quan triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

Công an huyện Phú Giáo tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác với tội phạm “tín dụng đen”

Nhiều thủ đoạn mới, tinh vi

Theo Thượng tá Trần Minh Nhựt, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Phòng PC02) CA tỉnh, sau thời gian trấn áp quyết liệt, tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt. Qua công tác tuyên truyền, người dân đã hiểu rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này để biết cách phòng tránh.

Tuy nhiên, gần đây do tình hình kinh tế khó khăn, kéo theo nhu cầu vay vốn tăng cao nên tội phạm “tín dụng đen” manh nha hoạt động với thủ đoạn tinh vi hơn. Khi có khách hàng, đối tượng không yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân, không viết giấy vay nợ mà chỉ cần cung cấp hình ảnh nhạy cảm cá nhân, số điện thoại của người thân. Đặc biệt, nổi lên tình hình “tín dụng đen” trong công nhân. Các đối tượng cho vay tiếp cận bằng cách dán quảng cáo cho vay trên cột điện, phát tờ rơi trước cổng công ty; đồng thời khuyến khích khách hàng giới thiệu người khác vay bằng cách trả “hoa hồng”. Khi vay vốn, công nhân lao động phải đưa thẻ ATM cùng mật khẩu cho đối tượng để bảo lãnh khoản vay.

Một thủ đoạn tinh vi, biến tướng nguy hiểm khác của “tín dụng đen” là các loại hình cho vay quy mô lớn thông qua quan hệ quen biết hoặc dưới “vỏ bọc” doanh nghiệp. Theo đó, các cơ sở kinh doanh cầm đồ hoặc cấu kết với nhân viên ngân hàng hoạt động dưới các thủ đoạn như cho vay “đáo hạn ngân hàng”, “vay vốn làm ăn” bằng các hợp đồng ủy quyền, hợp đồng mua bán bất động sản (hợp đồng giả cách). Người vay cần vay số tiền lớn trong thời gian ngắn để sử dụng và chấp nhận trả lãi suất rất cao, đến khi mất khả năng chi trả thì bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho đối tượng cho vay.

Gắn với thủ đoạn trên là thủ đoạn “mua bán nợ”. Nếu người vay mất khả năng thanh toán thì chủ nợ sẽ bán khoản nợ này cho công ty “mua bán nợ” (một hình thức biến tướng của công ty đòi nợ thuê). Sau đó, công ty này sẽ sử dụng các thủ đoạn quấy rối, khủng bố như tạt sơn, tạt chất bẩn… để đòi nợ.

Cùng với thủ đoạn trên còn nổi lên tình trạng các đối tượng lập ra và sử dụng các trang website, ứng dụng điện thoại để công khai quảng cáo hình thức cho vay với thủ tục đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân. Lãi suất vay bị các đối tượng này “lách luật” bằng các khoản phí dịch vụ. Khi người vay cố tình không trả nợ, các đối tượng sử dụng số điện thoại “rác” gọi điện đe dọa, bôi nhọ trên mạng xã hội, khủng bố tinh thần những người không liên quan như người thân, bạn bè, chủ doanh nghiệp…

Trong năm 2022 và 9 tháng năm 2023, CA tỉnh đã phát hiện, điều tra làm rõ 13 vụ, bắt khởi tố 19 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn

Trước tình hình tội phạm “tín dụng đen” có xu hướng hoạt động phức tạp trở lại, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện hỏa tốc số 766/ CĐ-TTg ngày 24-8-2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm “tín dụng đen”. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của Bộ CA, CA tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Đồng thời, CA tỉnh cũng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh doanh tài chính, viễn thông, internet, an ninh mạng để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Trong công tác phối hợp, CA tỉnh cùng Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý nhà nước về an ninh mạng. Có phương án kịp thời ngăn chặn số tin nhắn, thông báo, cuộc gọi “rác” của nhóm đối tượng đòi nợ và có hành vi “khủng bố”; đề xuất ngăn chặn các số điện thoại có biểu hiện hoạt động đòi nợ trái quy định của pháp luật. Phối hợp với Sở Tài chính bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ; kiểm tra, xử lý các cơ sở hoạt động cho vay nặng lãi trực tuyến.

Thượng tá Trần Minh Nhựt cho biết thêm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ CA, Phòng PC02 đã tham mưu Ban Giám đốc CA tỉnh mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh, thời gian từ ngày 15-9-2023 đến 15-3-2024.

“Trong đợt cao điểm này, lực lượng Cảnh sát hình sự tập trung đấu tranh triệt xóa, xử lý nghiêm các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói chung và thủ đoạn lợi dụng các ứng dụng trên điện thoại để hoạt động “tín dụng đen” biến tướng nói riêng. Đặc biệt, tập trung đấu tranh với các đối tượng là người nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên các cơ sở kinh doanh để hoạt động “tín dụng đen” cho vay qua các ứng dụng trên thiết bị điện tử”, Thượng tá Trần Minh Nhựt cho biết.

Theo khuyến cáo của cơ quan CA, khi có nhu cầu vay vốn, người dân cần tìm đến các tổ chức tín dụng được Nhà nước cho phép hoạt động. Khi thực hiện hồ sơ vay, người dân cần có các hợp đồng vay cụ thể có xác thực từ phía doanh nghiệp. Người dân phải tìm hiểu kỹ thông tin về lãi suất, thời gian trả, phí phạt trong các trường hợp chậm thanh toán, trả trước hạn hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng... để tránh những trường hợp bị gọi điện đòi nợ ráo riết hoặc đe dọa, quấy rối người thân trong gia đình cũng như nơi đang làm việc.

NGUYỄN HẬU

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/cong-an-tinh-mo-dot-cao-diem-tan-cong-toi-pham-tin-dung-den-a307916.html