Công an TP HCM chỉ cách quay phim giám sát CSGT sao cho đúng luật
Những hành vi lợi dụng việc quay phim giám sát CSGT để cản trở, chống người thi hành công vụ; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, một số người đã lợi dụng việc quay phim để giám sát CSGT làm nhiệm vụ dẫn đến mất an ninh, trật tự xã hội gây xôn xao dư luận. Công an TP HCM đã dẫn Thông tư số 67/2019/TT-BCA để hướng dẫn người dân quay phim, ghi âm giám sát CSGT đúng cách và không vi phạm pháp luật.
Theo Công an TP HCM, ngày 28-11-2019, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 67/2019/TT-BCA về việc quy định thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vì nhân dân phục vụ.
Theo đó, tại Điều 10 của thông tư này quy định về những việc nhân dân giám sát CAND trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, cụ thể như sau:
1. Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
2. Việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ.
3. Việc nhân dân giám sát CAND thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ.
Và để thực hiện giám sát những việc được quy định tại Điều 10, thì nhân dân sẽ thông qua các hình thức giám sát quy định tại Điều 11 của thông tư này:
1. Thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.
3. Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ.
4. Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
5. Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:
a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ.
b) Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông).
c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Trong thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả Thông tư số 67/2019/TT-BCA, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM đã áp dụng các hình thức công khai sau: Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Phòng (địa chỉ truy cập: http://csgt.catphcm.bocongan.gov.vn); niêm yết tại trụ sở các đội/trạm CSGT; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; thông qua việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật để giúp cho người dân theo dõi và giám sát các hoạt động của lực lượng CSGT.
Những hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm các quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; cản trở, chống người thi hành công vụ; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.