Công an TP HCM nói gì về nhà ở cơi nới thêm 'chuồng cọp'?
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP HCM, chiều 27/6, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an thành phố cho biết, thời gian qua đã có nhiều vụ cháy mà nạn nhân không thể thoát ra ngoài do 'chuồng cọp' ngăn lối.
Thượng tá Lê Mạnh Hà chia sẻ, hiện nay người dân thường hàn, gắn các lồng sắt hay khung bảo vệ (hay gọi là chuồng cọp) ở các căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ. Đây là giải pháp phòng chống tội phạm của người dân, tuy nhiên khi xảy ra cháy nổ thì "chuồng cọp" lại ngăn chặn lối thoát nạn.
“Khi xảy ra sự cố cháy, "chuồng cọp" gây khó khăn cho lực lượng chức năng muốn tiếp cận hiện trường, ngăn chặn lối thoát", ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Ông Lê Mạnh Hà giải thích thêm, muốn sử dụng “chuồng cọp” phải mở lối thoát nạn, có phương án thoát ra bên ngoài và tạo điều kiện để lực lượng chức năng tiếp cận cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, cần có dây thoát hiểm để chúng ta thoát từ trên “chuồng cọp” xuống và phải bố trí thêm lối thoát nạn thứ hai.
Theo ông Hà, nếu việc lắp những lồng sắt này có dấu hiệu cơi nới, mở rộng so với thiết kế được duyệt thì vi định pháp luật về xây dựng. Bên cạnh đó nếu các lồng sắt, chuồng cọp ngăn lối thoát nạn và lối tiếp cận của lực lượng chức năng thì vi phạm quy định pháp luật về luật phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Nói về việc cơi nới và sử dụng “chuồng cọp”, ông Tô Văn Lâm - Phó Trưởng Phòng phát triển đô thị thuộc Sở Xây dựng TPHCM khẳng định, theo quy định pháp luật hiện hành, Sở Xây dựng không có thẩm quyền ban hành quy định hay quy chuẩn cho việc lắp đặt, hàn gắn lồng sắt kiên cố, “chuồng cọp” đối với các chung cư, nhà ở riêng lẻ.
Sở Xây dựng TP HCM cũng chưa ban hành văn bản hướng dẫn nào liên quan đến các nội dung nêu trên; việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng.
Nhằm đảm bảo hành lang pháp lý thống nhất, rõ ràng và chặt chẽ trong việc đầu tư xây dựng và quản lý các loại hình nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ, ông Tô Văn Lâm cho rằng, Sở Xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ ngành liên quan sớm ban hành các quy chuẩn tiêu chuẩn thiết kế nhà ở riêng lẻ, tiêu chuẩn PCCC làm cơ sở quản lý các loại hình nhà ở.
Theo báo cáo của PCCC và CNCH, Công an TP HCM, từ đầu năm đến nay, thành phố xảy ra 234 vụ cháy, làm chết 10, bị thương 4 người, thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 5,04 tỷ đồng.
Các vụ cháy chủ yếu diễn ra tại thành phố Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, tập trung tại loại hình nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh (131/234 vụ, tỷ lệ 56%) và công ty, doanh nghiệp (38/234 vụ, chiếm 16%). So với năm ngoái, số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng tăng 5 vụ, thiệt hại về người tăng mạnh (thêm 8 người chết).
Về nguyên nhân gây cháy, thường do sự cố trong sử dụng thiết bị điện; vi phạm các quy định an toàn PCCC; bất cẩn trong sinh hoạt, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt;…