Công an TP.HCM vào cuộc vụ tiến sĩ dùng bằng giả 'qua mặt' nhiều trường đại học
Công an thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã làm việc với một số trường đại học liên quan đến việc ông Nguyễn Trường Hải (sinh năm 1981) sử dụng bằng tiến sĩ giả để 'qua mặt' nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM.
Ngày 4/12, trả lời Báo Lao động Thủ đô, đại diện Trường Đại học Văn Hiến cho biết, Công an TP.HCM đã liên hệ xác minh thông tin liên quan đến ông Nguyễn Trường Hải. Ông Hải là người bị tố đã sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả để xin vào nhiều trường cao đẳng, đại học giảng dạy gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Theo đó, đại diện Trường Đại học Văn Hiến cho biết, nhà trường đã cung cấp các thông tin từ khi ông Hải nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí Phó trưởng Khoa Công nghệ thông tin của trường đến khi ông Hải xin nghỉ.
Cụ thể, tháng 10/2022, nhà trường có phỏng vấn ông Hải để vào vị trí Phó Trưởng Khoa Công nghệ thông tin. Đến đầu tháng 11/2022, nhà trường có gửi thư mời nhận việc (thời gian thử việc 2 tháng), nhưng đến ngày 26/11, ông Hải đã được cho nghỉ và chấm dứt thử việc tại Trường Đại học Văn Hiến.
"Ông Hải chưa từng dạy buổi nào ở Trường Đại học Văn Hiến. Khi thử việc tại trường, ông Hải chỉ vào khoa đọc tài liệu, làm quen với công việc. Sau khoảng gần một tháng, ông Hải xin nghỉ việc", đại diện Trường Đại học Văn Hiến cho biết.
Tại Trường Đại học Gia Định, đơn vị này cũng đã báo cáo với Công an TP.HCM về trường hợp ông Hải dùng bằng tiến sĩ giả. Nhà trường xác nhận, tháng 10/2022, ông Nguyễn Trường Hải nộp hồ sơ vào trường làm giảng viên tại trường. Sau khi phỏng vấn, nhà trường không nhận ông Hải vào làm việc vì không phù hợp.
Tương tự, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cũng đã làm việc với công an TP.HCM để cung cấp các thông tin liên quan đến việc ông Hải dùng bằng tiến sĩ giả nêu trên.
Như vậy, tính đến nay có nhiều trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP.HCM xác định đã bị ông Hải sử dụng bằng giả xin việc gồm: Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Văn Hiến, Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường Đại học Gia Định...
Không chỉ tham gia giảng dạy với vai trò thỉnh giảng, ông Hải còn xác định đã từng hướng dẫn sinh viên làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp. Tuy nhiên, những trường có sinh viên từng được ông Hải hướng dẫn đều cho rằng, các bài đồ án, khóa luận tốt nghiệp của sinh viên không bị ảnh hưởng chất lượng, bởi hội đồng chấm bao gồm nhiều người. Điều này đảm bảo sự công bằng, đúng chất lượng; sinh viên phải có đủ năng lực, chăm chỉ... thì mới đạt yêu cầu của hội đồng.
Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.HCM đã yêu cầu các trường rà soát, báo cáo việc tuyển dụng, mời giảng đối với trường hợp ông Nguyễn Trường Hải dùng bằng tiến sĩ giả làm giảng viên.
Sở yêu cầu các đơn vị nêu rõ thời gian công tác, vị trí, chức vụ, tổng số giờ đã tham gia giảng dạy của ông Nguyễn Trường Hải tại đơn vị (nếu có). Đồng thời sớm phản hồi thông tin về Sở LĐTB&XH. Đối với việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo, Sở đề nghị thủ trưởng các trường nghiên cứu và thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành.
Cụ thể, việc tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, thực hiện theo quy định của Thông tư số 06 và Thông tư số 28 của Bộ LĐTB&XH. Bên cạnh đó, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, khi tuyển dụng viên chức, cần lưu ý đối với việc thẩm tra, xác minh văn bằng, chứng chỉ của người trúng tuyển bảo đảm chính xác theo quy định pháp luật trước khi ký hợp đồng làm việc.