Công an TPHCM cảnh báo cháy, nổ từ việc đốt rác trong mùa khô
Những ngày gần đây, trên địa bàn TP liên tiếp xảy ra các vụ cháy do đốt cỏ rác, nhiều ngày có hơn 10 vụ cháy cỏ rác trong một ngày. Chủ yếu do đốt cỏ rác nhưng không thể kiểm soát được dẫn đến cháy lan trên diện tích lớn, có vụ đám cháy lan rộng ra hàng chục hécta.
Ngày 28-3, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an TPHCM đã phát đi thông báo cảnh báo hiểm họa cháy nổ từ việc đốt rác trong mùa khô ở khu vực.
Theo PC07, Công an TPHCM cho biết, 13/16 vụ cháy xảy trong ngày 27-3 trên địa bàn là do đốt cỏ, rác. Trong những ngày gần đây, trên địa bàn TP liên tiếp xảy ra các vụ cháy do đốt cỏ rác, nhiều ngày có hơn 10 vụ cháy cỏ rác trong một ngày. Chủ yếu do đốt cỏ rác nhưng không thể kiểm soát được dẫn đến cháy lan trên diện tích lớn, có vụ đám cháy lan rộng ra hàng chục hecta.
PC07, Công an TPHCM đã phải huy động nhiều lực lượng phương tiện tổ chức chữa cháy trong nhiều giờ, chống cháy lan không để lan sang khu dân cư và các cơ sở sản xuất kinh doanh. Thực tế, đã có rất nhiều vụ đốt cỏ, rác gây cháy lan, cháy lớn sang khu dân cư gây hậu quả lớn như: vụ đốt cỏ rác gây cháy 3 căn nhà ở quận Gò Vấp; đốt cỏ gây cháy khu nhà hơn 20 phòng trọ huyện Bình Chánh, đốt cỏ gây cháy bãi giữ xe hơn 300 ôtô, xe máy các loại ở quận 8; đốt cỏ gây cháy lan cháy lớn nhà xưởng ở quận 12 khiến hàng chục nhà dân xung quanh phải sơ tán.
Điển hình, mới đây nhất vào khoảng 14 giờ 30 ngày 22-3, người dân sinh sống ở khu công nghệ cao, phường Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức (TPHCM) phát hiện khói lửa bốc lên từ bãi cỏ rộng nhiều hécta tại đây nên dùng nước bình chữa cháy dập lửa nhưng không thành công. Do nắng nóng kèm gió mạnh nên ngọn lửa bùng cháy dữ dội kèm khói đen bốc cao hàng chục mét.
Nhận tin báo, Công an TP.Thủ Đức phối hợp cùng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP.Thủ Đức (TPHCM) đã điều nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ có mặt tiến hành chữa cháy. Lực lượng PCCC phải chia nhiều hướng tiếp cận để chữa cháy.
Gần 20 giờ cùng ngày, lực lượng mới khống chế vụ cháy, không có thương vong về người.
Cứ đến mùa khô mỗi năm là các tỉnh thành như: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... lại xảy ra tình trạng cháy. Nhiều vụ cháy khiến cho nhiều tài sản bị thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng. Thậm chí nhiều người còn bị mất mạng như vụ cháy ở quận 8 vào ngày 25-3 vừa qua.
Xen cài trong các khu dân cư, khu công nghiệp ở nhiều quận huyện vùng ven TPHCM là những dự án "xanh bạt ngàn hy vọng". Nhưng khi vào cao điểm mùa khô, thì màu xanh được thay bằng màu vàng xám xơ xác, tiêu điều. Đây cũng chính là vùng đất "bà hỏa" yêu thích ghé thăm. Chỉ cần một điếu thuốc lá cháy dở người nào đó bất cẩn vứt ra, 1 chai thủy tinh hội tụ ánh nắng trưa, đống cỏ rác có người đốt sơ xuất không kiểm soát... cũng có thể phát sinh đám cháy. Và một khi cỏ khô bén lửa, ngọn lửa sẽ lan đi với tốc độ chóng mặt, rất khó để khống chế nếu không có phương tiện chuyên dụng.
Nhiều người sẽ nghĩ, một đám cỏ khô cháy thì càng quang đãng, sạch sẽ, chẳng thiệt hại gì cho ai. Tuy nhiên, nhãn tiền là việc các đám cháy cỏ rác tỏa ra khói bụi ảnh hưởng tới khu dân cư, đặc biệt là người và phương tiện tham gia giao thông; rồi cơ quan cứu hỏa phải bỏ nhiều công sức, chi phí xăng dầu để dập lửa. Hậu quả cũng sẽ rất khó lường nếu ngọn gió "tiếp tay" cho "giặc lửa" tiến vào nhà dân, kho xưởng. Chưa kể những bãi cỏ, hàng cây nhân viên công ích dày công chăm sóc có thể bị "bà hỏa" hủy hoại; hay tủ điện, cáp điện, cáp viễn thông... sẽ bị phá hỏng nếu nằm trong phạm vi "bà hỏa" tràn qua.
Mỗi năm, vào mùa khô trên địa bàn thành phố xảy ra hàng trăm vụ cháy cỏ rác, trong đó hàng chục vụ cháy lan vào tài sản của người dân, công ty hay làm hư hỏng công trình Nhà nước.
Để phòng ngừa nguy cơ cháy lan cháy lớn từ việc cháy cỏ, rác, PC07, Công an TPHCM khuyến cáo người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc đốt cỏ, đốt rác dọn dẹp vệ sinh môi trường. Tuyệt đối không tự ý đốt rác tại các khu vực có nhiều cỏ, lau sậy khi chưa tiến hành thu gom, tạo khoảng cách an toàn với các công trình xung quanh.
Tuyệt đối không được đốt vào buổi trưa hoặc lúc có gió lớn, không chủ quan đốt mà không có sự giám sát, chưa chuẩn bị các điều kiện kiểm soát chống cháy lan, không đốt đồng loạt trên diện tích lớn... nhằm có thể kiểm soát, không để cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.