Công an TPHCM gỡ vướng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp
Sáng 11-7, thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó giám đốc Công an TPHCM (CATP) đã chủ trì buổi đối thoại trực tiếp giữa các đơn vị nghiệp vụ CATP với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC). Buổi đối thoại nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
DOANH NGHIỆP QUAN TÂM VỀ ĐIỀU KIỆN ANTT, PCCC...
Tham dự cuộc đối thoại có các đơn vị nghiệp vụ liên quan đến TTHC về ANTT thuộc thẩm quyền giải quyết của CATP, như: Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Phòng Cảnh sát phòng cháy - chữa cháy (PCCC) và cứu hộ, cứu nạn (CHCN)... Trong hơn 2 giờ đối thoại, nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ.
Tại buổi đối thoại, ông Ngô Toàn (đại diện một công ty quốc tế dạy tiếng Anh) thắc mắc về việc giáo viên nước ngoài về nước trước hạn, thẻ tạm trú hoặc thị thực (visa) có phải trả lại không? Vấn đề giáo viên chuyển nơi làm việc, cần xuất cảnh hoặc xin thị thực làm việc tại doanh nghiệp mới như thế nào?
Bà Trần Phượng Linh Ngân (đại diện Công ty Unilever Việt Nam) đặt vấn đề: Một người có hộ khẩu tại Đồng Tháp, nhưng làm việc và tạm trú tại TPHCM thì có được làm thủ tục cấp hộ chiếu lần đầu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP không? Còn chị Vân (đại diện khách sạn Nikko và một số chủ khách sạn) hỏi về thủ tục lưu trú, như: chứng minh tình trạng hôn nhân đối với cá nhân là người Việt Nam và người nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp khác thắc mắc về việc cấp đổi, bị mất hoặc thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT trong một số lĩnh vực, như: in ấn, xuất bản; các điều kiện, thủ tục để cấp thẻ căn cước công dân (CCCD)... Những vấn đề trên được thượng tá Phạm Ngọc Tiến (Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh) và thượng tá Huỳnh Văn Hùng (Trưởng phòng Quản lý hành chính về TTXH) giải đáp tương đối chi tiết.
Về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đại diện Công ty Vận tải và dịch vụ Petrolixex Sài Gòn đề nghị giải đáp thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ. Công ty Tân Long Hải muốn được làm rõ các căn cứ về phương án PCCC. Công ty cổ phần An Bảo thắc mắc, nhà dân kiêm văn phòng làm việc, kinh doanh có thuộc danh mục quản lý về an toàn PCCC không? Công ty PCCC Tây Bắc hỏi về trình tự cấp giấy huấn luyện chứng nhận nghiệp vụ về PCCC... Các câu hỏi trên đã được thượng tá Trương Thành Lanh (Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CHCN) giải đáp, hướng dẫn cụ thể.
Liên quan đến lĩnh vực đăng ký xe, trung tá Nguyễn Trọng Sơn (Phó trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt) trả lời nhiều vấn đề các doanh nghiệp vận tải, ôtô thắc mắc, như: Việc sở hữu xe cá nhân có được đăng ký tên tài sản chung vợ chồng không, các thủ tục sang tên phương tiện khi bán xe, hóa đơn bán xe có cần chữ ký và đóng dấu của đơn vị bán xe không, trường hợp nào đăng ký biển số tạm, thủ tục đăng ký xe thế chấp tại ngân hàng cần phải bán đấu giá để thu hồi nợ như thế nào, việc lưu hành xe đã hết hạn sử dụng...
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH ĐỂ PHỤC VỤ DÂN TỐT HƠN
Tại buổi đối thoại, thượng tá Lê Mạnh Hà (Phó trưởng phòng Tham mưu CATP) cho biết: Với nhiệm vụ được Bộ Công an giao, CATP thực hiện 145 TTHC liên quan đến ANTT. Trong 6 tháng đầu năm 2019, CATP tiếp tục duy trì 28 hộp thư điện tử tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc thẩm quyền. Đã tiếp nhận 8 phản ánh, xác minh, trả lời 7 phản ánh. Tất cả phản ánh đều có nội dung về chậm trả kết quả các TTHC xuất phát từ nguyên nhân khách quan (chuyển trụ sở làm việc, chờ phôi thẻ CCCD...).
Ngoài ra, CATP đã giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính, với hơn 31.000 thẻ CCCD, gần 100.000 hộ chiếu, hơn 5.200 giấy đăng ký xe, hơn 16.000 lượt sử dụng dịch vụ chuyển trả giấy tờ tạm giữ khi xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Để nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân, một số bộ phận CATP triển khai thêm việc tiếp nhận hồ sơ TTHC vào sáng thứ bảy hằng tuần tại bộ phận “một cửa” của Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN; duy trì làm việc sáng thứ bảy hằng tuần để tiếp nhận, giải quyết các TTHC: cấp, quản lý thẻ CCCD, đăng ký, quản lý cư trú, đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, quản lý xuất nhập cảnh, bộ phận xử lý hành chính của lực lượng CSGT.
Hiện nay, CATP đã có 10/151 thủ tục đang được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (đạt tỷ lệ 6,62%), gồm: cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông qua internet; khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua trang thông tin điện tử; khai báo tạm trú, cấp mới, cấp đổi, cấp lại thẻ CCCD; cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT. Có 141 thủ tục đang được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2. Sự tương tác của doanh nghiệp với các đơn vị CATP với doanh nghiệp và nhân dân ngày càng rộng rãi, cởi mở, hiệu quả.
Kết thúc buổi đối thoại, thiếu tướng Trần Đức Tài đánh giá cao tinh thần đối thoại trao đổi giữa các bên. Thời gian tới, CATP sẽ tiếp tục công khai, minh bạch, thường xuyên cập nhật các TTHC thuộc thẩm quyền trên cổng thông tin điện tử CATP, đồng thời niêm yết tại các đơn vị để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu. Mặt khác, sẽ áp dụng nhiều mô hình mới, cách làm hay, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC để thuận tiện hơn cho người dân và doanh nghiệp.