Công an xã bán chuyên trách: Nòng cốt bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở
Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 2.000 đồng chí công an xã bán chuyên trách đang tiếp tục tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đây là lực lượng chủ công phối hợp với công an chính quy tuần tra, kiểm soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
“Cánh tay nối dài” của công an xã
Là địa bàn trọng điểm công nghiệp, xã Quang Châu (Việt Yên) có 8 thôn với 12.000 dân, cùng đó là khoảng 6.000 công nhân thuê trọ.
Theo Trung tá Chu Bá Thuận, Trưởng Công an xã, nếu chỉ trông vào mấy đồng chí công an chính quy ở xã thì quả thực không thể kham nổi hết nhiệm vụ được giao. Công an bán chuyên trách hỗ trợ đắc lực trong việc kiểm tra tình hình nhà trọ, quản lý tạm trú, tạm vắng; tuần tra, kiểm soát, giải tỏa hành lang an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm ANTT địa bàn. Đặc biệt là khi xảy ra vụ việc, lực lượng này là những người đầu tiên có mặt bảo vệ hiện trường, nắm thông tin ban đầu rất hiệu quả.
Thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) được sáp nhập từ 3 đơn vị hành chính là: Thị trấn Neo, xã Nham Sơn và xã Thắng Cương. Với số dân lên tới 18,5 nghìn người, 15 tổ dân phố, lại là trung tâm hành chính của huyện nên công tác bảo đảm ANTT đặt ra nhiều thách thức.
Anh Hoàng Văn Hoàn ở tổ dân phố Phương Sơn là công an xã bán chuyên trách, phụ trách mô hình “Tiếng kẻng an ninh”. Cứ 22 giờ hằng ngày, anh lại chủ động gõ một hồi kẻng, thông báo đến các gia đình kiểm tra cửa, cổng, phương tiện, tài sản của gia đình. Khi phát hiện có đối tượng rình trộm cắp hay có hành vi xấu, tiếng kẻng được đánh dồn để người dân biết cùng tham gia ngăn chặn. Huyện Yên Dũng có 142 đồng chí công an viên bán chuyên trách ở 159 thôn, tổ dân phố.
Trung tá Trịnh Tuấn Dương, Phó Trưởng Công an huyện cho biết: Thực tế khi đưa công an chính quy về xã, do đa số họ không phải là người địa phương nên việc nắm bắt địa bàn, nắm hộ ban đầu còn lúng túng. Trong khi đó, công an bán chuyên trách là những người sinh ra, lớn lên ở tại thôn, tổ dân phố; ở cùng trong dân, sinh hoạt cùng nhân dân nên rất thông thạo, nắm rõ địa bàn. Khi có yêu cầu tìm hiểu lý lịch của ai đó nhất là những đối tượng tình nghi, vi phạm pháp luật, lực lượng này đều nắm ngay được nhân thân, là con nhà ai, làm gì, ở đâu, sinh sống ra sao tại địa phương.
Công an chính quy khi về cơ sở ban đầu chưa thuộc địa bàn, lực lượng công an xã bán chuyên trách đã hỗ trợ đắc lực trong nắm tình hình có liên quan đến ANTT ở cơ sở; giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, kịp thời phản ánh để lực lượng công an xã, thị trấn nắm và tham mưu giải quyết theo quy định của pháp luật; tham gia cùng lực lượng công an xã, thị trấn chính quy tuần tra, kiểm soát, bảo đảm ANTT trên địa bàn; quản lý cư trú; nâng cao hiệu quả quản lý về phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm trật tự ATGT, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…
Ngoài ra, công an bán chuyên trách còn tham gia triển khai các nhiệm vụ khác theo sự chỉ đạo của bí thư chi bộ và trưởng thôn, bản, tổ dân phố. Có thể khẳng định lực lượng công an bán chuyên trách là “cánh tay nối dài” của công an xã, thị trấn; nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.
Tăng chế độ đãi ngộ
Tính đến ngày 15/3, toàn tỉnh có hơn 2.000 đồng chí công an xã bán chuyên trách tham gia đảm bảo ANTT ở cơ sở trong tổng số 2.128 thôn, bản, tổ dân phố. Do số lượng công an chính quy ở xã, thị trấn còn mỏng, nếu không dựa vào lực lượng bán chuyên trách, công an chính quy sẽ khuyết đi một kênh quan trọng để nắm bắt và xử lý nhanh chóng tình hình. Tuy nhiên, vì phụ cấp hiện rất thấp nên việc động viên họ toàn tâm toàn ý tham gia rất khó khăn.
Trung tá Nguyễn Trọng Chiến, Trưởng Công an thị trấn Nham Biền cho biết: “Khi sáp nhập (tháng 3/2020), thị trấn được 6 đồng chí công an chính quy, trong khi công an bán chuyên trách không còn ai. Chúng tôi phải kiên trì vận động mới được 11 người tham gia, còn thiếu 4 người”. Tương tự, xã Yên Lư (Yên Dũng) thiếu 6 công an viên/17 thôn; xã Hương Gián (Yên Dũng) thiếu 8 công an viên/12 thôn… Hiện lực lượng này được hưởng mức bồi dưỡng theo Nghị quyết số 45/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Cụ thể: Thôn loại 1 là 0,7 mức lương cơ bản; thôn loại 2 và loại 3 là 0,6 mức lương cơ bản.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng công an bán chuyên trách cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý quy định cụ thể về hoạt động của lực lượng này. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm đến công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, tổ chức hoạt động và đặc biệt là chế độ, chính sách để thu hút, động viên những người trẻ, khỏe, có năng lực tham gia lực lượng công an xã bán chuyên trách.
Kinh nghiệm ở xã vùng cao Canh Nậu (Yên Thế), theo Trung tá Trần Văn Mạnh, Trưởng Công an xã thì để khuyến khích, có mức đãi ngộ xứng đáng, các công an viên đều kiêm nhiệm từ 1-2 chức danh ở thôn, bản. Trong số 14 thôn, bản ở xã có 12 công an viên đồng thời là trưởng, phó thôn, bản hoặc bí thư, phó bí thư chi bộ, chi hội trưởng các chi hội đoàn thể. Những người có uy tín này đôi khi chỉ cần một tiếng nói là có thể giải tán được đám đông, hóa giải mâu thuẫn.
Tuấn Minh