Công an xã kể chuyện làng
Công an xã là lực lượng tuyến đầu luôn gần gũi với quần chúng nhân dân. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, công tác giữ gìn an ninh trật tự địa bàn luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Không chỉ mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, công an xã còn xử lý tinh tế và đậm chất nhân văn nhiều tình huống bất ngờ từ thực tiễn.
Người tâm thần… kêu cứu
"Cách đây 2 năm, khi ấy chỉ còn khoảng một tuần lễ nữa là ngày cưới của tôi. Bỗng một đêm chẳng rõ vì động cơ gì xui khiến, tôi chợt ôm gối vùng chạy ra đường. Kể từ đó mọi người đều cho là tôi bị điên. Vì cứ nghĩ rằng tôi bị tâm thần nên mỗi lần tôi làm điều gì sai trái thì ba tôi lấy chổi lông gà quất bầm dập khắp người, thậm chí dùng dây xích lớn xiềng tay chân tôi lại như một tên tù nguy hiểm... Tôi viết những dòng này mong Công an xã Phạm Văn Hai giúp tôi thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại. Hoặc qua xác minh, nếu quả thực tôi có bệnh thì cũng khuyên giúp ba tôi đừng đánh đập, xích xiềng tôi nữa...".
Đọc lá thư trên của chị P.T.L (23 tuổi), khó ai có thể cho rằng bức thư ấy lại được viết bởi một... người bị tâm thần. Vì rằng từ cách hành văn đến lời lẽ thể hiện trong thư đều hàm chứa sâu sắc cả lý lẫn tình. Vậy căn nguyên của câu chuyện đầy uẩn khúc này bắt đầu từ đâu? Được BCH Công an xã Phạm Văn Hai giao nhiệm vụ xác minh, Thiếu úy CSKV Hồ Gia Nguyễn đến tận nhà tìm hiểu.
Trò chuyện cùng ông M. (cha của L.), Nguyễn được biết: Vì là con út trong gia đình có 7 anh chị em nên L. rất được cha mẹ, anh chị thương yêu. Từ nhỏ đến lớn, L. luôn hiền dịu, khôn ngoan, chẳng có biểu hiện gì bất bình thường. Năm L. 21 tuổi, hai người chị ruột ở bên Mỹ giới thiệu cho cô một Việt kiều Mỹ lớn hơn vài tuổi. Nhận thấy việc hôn nhân cũng chẳng có gì trở ngại vì L. đã bỏ học (lớp 11), hơn nữa cô cũng tỏ vẻ ưng thuận nên gia đình hai bên cùng xúc tiến cuộc hôn nhân. Mọi thủ tục pháp lý đều đã lo xong, chỉ còn chờ ngày cưới thì bỗng dưng L... phát bệnh tâm thần, vì vậy mà đám cưới đành hủy bỏ. Sau dạo ấy, L. cứ sống như... người cõi trên.
Dù rất thương con, song gia đình L. đành bất lực. Nghe một số người góp ý "hay là cưới chồng cho L. may ra cô sẽ đổi khác chăng?", đầu tháng 4 năm ấy, qua mai mối, L. và N.T.T (nhỏ hơn L. 2 tuổi, nhà ở xã Vĩnh Lộc B) đã tổ chức thành hôn. Tuy chấp nhận lấy chồng nhưng hơn 3 tháng trời chung sống, L. không bao giờ cho chồng được "gần gũi" mình. Giải thích về điều hơi kỳ quặc này, cô nói: "Tôi chỉ muốn có chồng cho khỏi mang tiếng... ở giá, chứ sợ có con lắm. Tôi chẳng biết chăm hay cho trẻ ăn. Nếu đồng ý sống như hiện tại thì cứ ở, bằng không thì tôi cũng chẳng ép...". Vậy rồi L. cứ sống theo cách của mình.
Kể lể nỗi niềm, L. không giấu sự bực tức: "Em có điên đâu mà ai cũng cho là em điên. Chẳng có ai chịu hiểu em hết. Anh nghĩ coi, em đâu còn bé bỏng gì, mỗi ngày cho vài ba ngàn làm sao đủ tiêu? Muốn đến hồ tắm tập bơi người thân cũng không cho. Muốn đi Công viên nước cho biết cũng chẳng có người dẫn. Em là con gái nên cần phải trang điểm, chưng diện chứ, vậy mà cha mẹ chẳng đưa tiền để em sắm đồ. Trong khi mười mấy cây vàng nữ trang của em, rồi tiền riêng nữa cha đều lấy giấu hết, đòi hoài mà hổng chịu đưa...".
Theo lời ông M., kể từ khi bất ngờ phát bệnh, L. thường hay lang thang ngoài đường, giao du với nhiều thành phần lạ. Sợ xảy ra chuyện bất trắc nên đôi lần ông phải dùng xích xiềng L. lại, hoặc lấy chổi lông gà đánh dọa, chứ trong thâm tâm ông vô cùng khổ đau. Nhận định bệnh tình của L. không đến mức trầm trọng, CSKV Hồ Gia Nguyễn khuyên ông M. ngoài việc đưa L. đến khám chữa bệnh thường xuyên tại phòng khám chuyên khoa thần kinh của bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, điều cần thiết là phải làm sao giải tỏa những ức chế tâm lý nơi cô.
Sở dĩ L. sống khác thường là do trạng thái tinh thần chưa hoàn toàn được thanh thản, nếu không muốn nói là quá nhiều đòi hỏi nơi bản thân L. mà chưa được đáp ứng. Chính điều này vô hình chung cứ mãi dằn vặt khiến đầu óc cô càng thêm căng thẳng. Vì thế, người thân cần có những cử chỉ, lời nói, cũng như tạo điều kiện cho L. thoát khỏi nỗi buồn, tránh tạo ức chế về mặt tâm lý, đồng thời phải tìm cách xóa đi trong suy nghĩ của L. những ấn tượng không hay trước đó về người thân.
Quả nhiên, sau khi nghe theo lời khuyên của CSKV Nguyễn, hơn một năm khám, uống thuốc theo toa của bác sĩ chuyên khoa thần kinh, kết hợp với "liệu pháp" giải tỏa ức chế tâm lý từ phía những người thân trong gia đình, L. đã hoàn toàn bình phục. Hiện cô đã lấy chồng, sinh con, cuộc sống bình thường và êm ấm.
Cuộc giải cứu "con tin" nghẹt thở
Đang bán tạp hóa tại nhà ở khu vực ấp 2 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), thấy một thanh niên dáng gầy gò đi bộ bước vào, tưởng khách mua hàng, chị Đặng Ngọc Thùy (SN 1974) ngước hỏi: "Anh cần mua gì?", nhưng anh ta không trả lời. Thấy bé Phạm Cát Tường (4 tuổi) đang ngồi điều khiển ôtô đồ chơi dưới nền nhà, đối tượng bước nhanh đến bên rồi bất thần ôm cháu dí dao vào cổ. Chị Thùy còn chưa kịp hiểu chuyện gì, đối tượng cất giọng lạnh lùng: "Khôn hồn đừng báo công an. Tao đói thuốc mấy ngày nay rồi, mày mua ngay về đây cho tao mười tép heroin thì con mày không sao cả”.
- Nhưng tôi đâu biết mua chỗ nào? Chị Thùy ấp úng.
- Mày cứ đưa tiền nhờ tụi xe ôm ra ngã tư Quốc tế (P14Q8) mua là có ngay. Nhớ đừng làm điều dại dột, nếu không đừng trách tao sao độc ác.
Gã nhấn mạnh câu cuối trước khi ôm bé Cát Tường vào "cố thủ” trên căn phòng ở lầu một. Trước tình huống xảy ra quá bất ngờ, vợ chồng chị Thùy - anh Luận không khỏi luống cuống, lo sợ cho sự an nguy của con. Bàn tới bàn lui hồi lâu, cả hai quyết định gọi điện thoại báo công an nhờ giúp đỡ. Tiếp nhận hung tin, Công an xã Bình Hưng nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
Trời đứng gió khiến cái nắng gay gắt ban trưa càng thêm ngột ngạt. Vậy là đã gần hai giờ trôi qua kể từ lúc bé Tường bị kẻ nghiện khống chế đưa lên lầu. Nhiều phương án được đưa ra nhưng chẳng thể nào thực hiện được. Bắt gã nghiện có "máu điên" này thì quá dễ, song làm thế nào bảo vệ an toàn cho sinh mạng cháu bé mới là điều khó. Cho đến tận lúc này, chẳng ai biết kẻ bắt cóc cùng con tin đang làm gì trong căn phòng luôn đóng cửa kín bưng.
Hai trinh sát giỏi võ thuật nhất được phân công áp sát căn phòng chỉ còn biết nhẫn nại chờ đợi thời cơ hành động. Người duy nhất có thể liên hệ được với kẻ phạm tội là chị Thùy, nhưng cũng chỉ qua giọng nói chứ không thấy mặt. Thời gian nặng nề trôi, tiếng khóc nức nở của bé Cát Tường phát ra từng chặp khiến lòng dạ các trinh sát càng thêm bồn chồn, ngồi đứng không yên. Chừng như kẻ bắt cóc cũng sốt ruột không kém, chốc chốc gã lại lớn giọng quát tháo:
- Có "hàng" chưa? Mày có đưa tiền cho tụi nó đi mua không mà sao lâu quá vậy?
Ngồi kế bên ngoài cửa, chị Thùy ôn tồn trả lời:
- Đưa một triệu rồi. Chắc thằng cha xe ôm này xí gạt lấy tiền rồi trốn luôn hay sao ấy chứ!
- Vậy mày xuống dưới làm cho tao tô mì trước đi!
Chưa đầy năm phút sau, chị Thùy đã đáp ứng yêu cầu của gã. "Mì có rồi nè, anh mở cửa tôi mới mang vào được chớ!". Giọng chị Thùy vẫn dịu dàng.
- Được rồi, mày cứ để trước cửa rồi xuống đi. Bao giờ có heroin, nhớ mang lên đây liền. Mà này, khi đi xuống dưới nhà mày phải nện mạnh chân cho tao nghe tiếng.
Đợi tiếng bước chân của chị Thùy im hẳn, kẻ bắt cóc mới rón rén mở chốt cửa trong. Đầu gã thò ra, một tay cầm dao, tay kia định vớ lấy tô mì. Thời cơ thuận tiện đã đến, sau cái nháy mắt làm hiệu thật nhanh cho đồng đội, Thượng úy Nguyễn Văn Long tung người đạp mạnh cánh cửa phòng. Tên tội phạm bị dội ngược ngã lăn xuống nền nhà. Gã lồm cồm nhặt con dao bị rớt định nhào đến đâm Long, nhưng anh kịp đá văng rồi chộp tay hắn vặn ngược cánh khuỷu. Đồng đội của Long vội ôm bé Cát Tường vào lòng, bước xuống nhà trao cho chị Thùy để trấn an.
Giây phút nguy hiểm đã qua, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Cuộc giải cứu con tin căng thẳng đến nghẹt thở cuối cùng cũng thành công như mong đợi. Được dẫn giải về trụ sở công an xã, gã tội phạm khai tên Ngô Chí Cường (SN 1971, ngụ P14Q8), đã bỏ nhà đi bụi hơn một năm nay. Vì nghiện nặng nhưng không có tiền mua heroin, gã đã phải làm liều.
Tên cướp… đẹp trai
V.L.H (trú ấp 5, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) vừa tròn 19 xuân xanh. Đẹp người, đẹp nết nhưng số phần kém may mắn. Cha mẹ đều bị bạo bệnh qua đời lúc cô lên 10 tuổi. H. cùng em trai sống cùng bà ngoại tuổi đã ngoài lục tuần. Ngoài thời gian làm công nhân may cho một công ty trong KCN Lê Minh Xuân, H. còn canh tác một thửa ruộng cập mé khu rừng tràm cách nhà chừng 2 cây số.
Một buổi chiều, sau khi nhổ cỏ ruộng xong, H. lội xuống con kênh cạnh khu rừng tràm tắm rửa trước khi về nhà. Lúc cô vừa lên bờ thì bất ngờ bị một thanh niên lạ mặt dùng vũ lực cưỡng bức. Ở nơi hoang vắng nào biết kêu ai, H. đành bất lực buông xui cho số phận. Không chỉ cướp đời con gái, kẻ đốn mạt còn cướp chiếc nhẫn 2 chỉ vàng trên tay cô - kỷ vật của người mẹ quá cố trao lại trước khi qua đời.
Theo lời H. mô tả, gã trai hại đời cô trạc 20-25 tuổi, cao tầm 1,7m, da trắng. Dung mạo khá điển trai với đôi mắt hai mí to tròn, lông mày rậm, mũi cao, thẳng, cằm chẻ, đặc biệt đôi môi đỏ hồng. Về chiếc nhẫn bị cướp, H. cho biết mặt trong có khắc chữ K.L và con số 2.0. Vào cuộc điều tra, Công an xã Lê Minh Xuân lập tức khoanh vùng hàng chục đối tượng thuộc diện "đẹp trai" trên địa bàn và các xã lân cận. Tuy nhiên, qua thẩm vấn những "kẻ tình nghi", họ đều có chứng cứ ngoại phạm, chẳng hề liên quan.
Giữa lúc vụ án tưởng rơi vào ngõ cụt thì "phương án 2" đã phát huy tác dụng. Đầu giờ chiều ngày thứ 41, một thanh niên mang chiếc nhẫn vàng 2 chỉ có ký hiệu K.L 2.0 đến bán cho một tiệm vàng trên địa bàn xã. Đối tượng này lập tức bị bắt giữ. Tại cơ quan công an, Thạch Tín (20 tuổi, quê Sóc Trăng) cho biết làm công nhân và tạm trú ở xã Lê Minh Xuân.
Lời khai của đối tượng khá trùng khớp với diễn biến vụ án mà nạn nhân đã trình báo. Chỉ duy nhất một điều cực kỳ khác xa, đó là dung mạo bởi Tín cao chỉ 1,55m, da đen nhẻm, mắt ti hí, mũi to và miệng hô, răng vểnh... Khi được trinh sát hỏi sao không nói thật từ đầu, H. bẽn lẽn trả lời: "Em không muốn đời con gái lại bị một gã xấu xí như vậy chiếm đoạt, nên cố tưởng tượng ra tên cướp đẹp trai để tự an ủi mình...".
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/cong-an-xa-ke-chuyen-lang_151502.html