Công an xã ở vùng cao Thanh Hóa kể chuyện cảm hóa 'ma men', xóa nạn 'nát rượu'
Thiếu tá Trương Văn Chương - Trưởng công an xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã cùng các cán bộ của mình học thêm tiếng Thái để cảm hóa 'ma men', ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Năm 2020, theo đề án bố trí công an chính quy về xã, Thiếu tá Trương Văn Chương nhận nhiệm vụ và giữ chức Trưởng công an xã Lũng Cao. Sau 5 năm bám bản, anh và các cán bộ công an xã đã cảm hóa được nhiều “ma men” trên địa bàn.
Anh Chương cho biết, thời điểm anh lên xã, nơi đây còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Trụ sở xuống cấp, các anh phải sinh hoạt ở nhà văn hóa. Hàng ngày, từ nấu ăn đến giặt giũ đều nhờ vào sự hỗ trợ của người dân địa phương và chính quyền xã.

Công an thường xuyên đi tuần đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: Lê Dương
Xã Lũng Cao có 11 thôn với 1.252 hộ dân, hơn 5.300 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Thái chiếm hơn 80%.
Ngoài việc đấu tranh với các loại tội phạm, vấn đề bất đồng ngôn ngữ cũng là điểm khó khăn đối với cán bộ công an khi xuống thôn, bản. “Chúng tôi phải mất một thời gian dài để học lớp tiếng Thái do công an tỉnh tổ chức.
Khi đã học được những từ cơ bản, chúng tôi thường xuyên xuống các hộ dân để tuyên truyền. Nhờ giao tiếp thường xuyên với bà con nên anh em cán bộ gần như ai cũng thành thạo tiếng Thái”, anh Chương chia sẻ.
Theo anh Chương, trước đây ở xã Lũng Cao, tình trạng người dân lạm dụng rượu bia rất phổ biến nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau. Nhiều người đàn ông còn “nát rượu”, đánh đập vợ con, khiến gia đình rơi vào cảnh ly tán.

Anh Chương kể về việc cảm hóa "ma men". Ảnh: Lê Dương
Lực lượng công an xã đã trực tiếp làm việc với trưởng thôn, bí thư chi bộ và những người có uy tín trong bản để rà soát, lập danh sách quản lý những người nghiện rượu với mục đích cảm hóa, giáo dục.
“Có những hôm anh em tới nhà để tuyên truyền, chưa kịp vào đã bị người đàn ông nghiện rượu chửi bới, dọa đánh. Họ dọa xong lại mời vào ngồi uống rượu cùng, họ nói phải uống một cốc rồi mới làm việc tiếp”, anh Chương kể.
Nhờ vào tuyên truyền, giáo dục và áp dụng những hình thức xử lý phù hợp nên các đối tượng nghiện rượu đã ký cam kết không tái phạm. Nhờ vậy, đến nay tình trạng “nát rượu” trên địa bàn xã Lũng Cao đã giảm đáng kể.

Nghe tin có người "nát rượu" là công an đến tận nơi tuyên truyền. Ảnh: Lê Dương
“An ninh trật tự trên địa bàn đã cải thiện rõ rệt, không có tội phạm hình sự, băng nhóm phức tạp hay sử dụng ma túy. Đặc biệt, người dân không còn 'nát rượu' gây gổ đánh nhau, ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao”, anh Chương nói.
Ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao cho biết, nhiều năm qua, công an xã đã tích cực tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã trong công tác chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Công an xã luôn chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở, nhờ đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Cán bộ công an xã đã thành thạo tiếng Thái. Ảnh: Lê Dương
Đại tá Dương Văn Tiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện toàn tỉnh có 547 cơ quan công an cấp xã, phường, thị trấn. Thanh Hóa cũng là địa phương có số lượng công an cấp xã đông nhất cả nước.
Theo ông Tiến, hiện vai trò của công an xã rất quan trọng. Đa số các vụ việc xảy ra trên địa bàn, công an cấp xã là lực lượng nắm bắt thông tin nhanh nhất và có thể trực tiếp báo cáo lên cấp tỉnh để có hướng xử lý.
Từ năm 2022 đến nay, lực lượng công an cấp xã trên địa bàn tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở hơn 24.000 văn bản về công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; tiếp nhận hơn 2.300 tin báo tố giác về tội phạm;...