Công an xác minh mỏ đất 'chui' tại Đà Nẵng
Công an huyện Hòa Vang chủ trì kiểm tra, xác minh mỏ đất 'chui' tại đèo Ông Gấm.
Ngày 14-10, ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho hay đã giao công an huyện chủ trì, phối hợp với Phòng TN&MT huyện và các ngành liên quan kiểm tra, xác minh vụ việc múc trộm đất đồi tại đèo Ông Gấm sau điều tra của báo Pháp Luật TP.HCM.
Công an huyện Hòa Vang tham mưu UBND huyện xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, hoàn thành và báo cáo UBND huyện trước ngày 23-10.
Có dấu hiệu vi phạm
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho hay đã có báo cáo gửi UBND huyện về vụ việc này. Huyện cũng đã cử người đi thực tế tại khu vực khai thác đất không phép. Ông Phương từ chối trả lời các câu hỏi “công tác kiểm tra, giám sát tại khu vực cải tạo đất đèo Ông Gấm; vì sao việc múc trộm đất diễn ra thời gian dài mà không bị phát hiện?”...
Cùng ngày, UBND huyện Hòa Vang cũng có báo cáo gửi UBND TP Đà Nẵng khu đất 1 ha huyện cho phép cải tạo, san gạt mặt bằng nhưng biến thành mỏ đất “chui”.
“UBND huyện Hòa Vang xét thấy nội dung mà báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh là có dấu hiệu của việc vi phạm khai thác tài nguyên khoáng sản không phép nên cần kiểm tra, xác minh các vi phạm để kiên quyết xử lý” - báo cáo nêu.
UBND huyện Hòa Vang cũng chỉ đạo UBND xã Hòa Sơn báo cáo, giải trình làm rõ công tác quản lý nhà nước tại địa phương để xảy ra tình trạng như báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh, hoàn thành và báo cáo UBND huyện trước ngày 20-10.
Về thông tin mỏ đất “chui”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, cho hay đã nhận được báo cáo của UBND huyện Hòa Vang.
“Ngay sau khi báo đăng, lãnh đạo Sở TN&MT đã chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp với huyện Hòa Vang kiểm tra sự việc” - ông Vinh nói.
Trả lời PV, ông Hoàng Ngọc Hùng, chủ thửa đất tại đèo Ông Gấm, cho hay không trực tiếp giám sát các công việc tại thửa đất này mà giao khoán cho người khác thực hiện. “Tôi bận công việc nên không trực tiếp ở đó” - ông Hùng nói.
Thanh tra Sở TN&MT, Công an huyện Hòa Vang vào cuộc xác minh sai phạm tại mỏ đất “chui” ở đèo Ông Gấm.
Có thể xử lý hình sự
Theo luật sư Nguyễn Văn Tứ, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, Nghị định 36/2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bởi điểm a, điểm b khoản 22 Điều 2 Nghị định 04/2022 của Chính phủ) quy định cụ thể mức phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường 40-50 triệu đồng với lượng khoáng sản từ 50 m3 trở lên.
Theo luật sư Tứ, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.
Ngoài ra, trường hợp hành vi khai thác khoáng sản không phép có dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên. Cá nhân phạm tội này có thể bị phạt tiền lên đến 5 tỉ đồng hoặc phạt tù đến bảy năm. Pháp nhân phạm tội này có thể bị phạt tiền đến 7 tỉ đồng và còn bị áp dụng các biện pháp pháp lý khác.•
Vi phạm trong thời gian dài
Khu mỏ đất “chui” thuộc thửa đất số 688, diện tích 10.290 m2, mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, do ông (bà) Hoàng Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Minh Luận (ngụ phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) quản lý, sử dụng.
Do địa hình thửa đất không bằng phẳng, chủ sử dụng đất đã có đơn gửi UBND xã Hòa Sơn xin cải tạo.
Ngày 27-5, UBND huyện Hòa Vang ra công văn cho phép chủ hộ được cải tạo, san gạt mặt bằng trên diện tích 4.885 m2, thời gian thực hiện 20 ngày.
Đến ngày 18-6, UBND xã Hòa Sơn có biên bản làm việc với chủ hộ về chấm dứt việc thi công cải tạo, di chuyển phương tiện, thiết bị ra khỏi vị trí thửa đất nêu trên.
Tuy nhiên, sau đó khu đất này biến thành mỏ khoáng sản “chui”, các xe ben hằng đêm chở đất đi san lấp nhiều nơi ở TP Đà Nẵng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/cong-an-xac-minh-mo-dat-chui-tai-da-nang-post703272.html