Công bằng, minh bạch và không để sai sót trong công tác đặc xá

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Công an TP Hà Nội đã triển khai thực hiện công tác đặc xá với tinh thần đảm bảo đúng pháp luật, dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, chặt chẽ, đúng đối tượng, không để sai sót và tiêu cực xảy ra.

Xác định đây là công tác có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc, Công an Hà Nội đã sớm xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, các lực lượng liên quan nắm chắc các quy định về đối tượng và điều kiện được đề nghị đặc xá. Các Trại tạm giam đã tổ chức phổ biến công khai, sâu rộng đến cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân nắm rõ mục đích, ý nghĩa, đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá… qua đó tuyên truyền chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với người phạm tội bị kết án phạt tù, khuyến khích họ phấn đấu học tập, rèn luyện tiến bộ để sớm được tái hòa nhập cộng đồng.

Cán bộ Trại tạm giam phổ biến cho phạm nhân nắm rõ mục đích, ý nghĩa, đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá.

Cán bộ Trại tạm giam phổ biến cho phạm nhân nắm rõ mục đích, ý nghĩa, đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá.

Cùng với các trại giam, trại tạm giam trên cả nước, những ngày này, hơn 80 phạm nhân ở Trại tạm giam số 1(Công an TP Hà Nội) có tên trong danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá đang rất háo hức, hồi hộp mong chờ giây phút được trở về làm lại cuộc đời sau những tháng ngày phải trả giá cho lầm lỗi trong quá khứ.

Nguyễn Hoàng Sơn (sinh năm 1993, trú tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội) là một trong hơn 80 phạm nhân cải tạo tốt và đủ điều kiện được đề nghị xét đặc xá dịp 30/4 năm nay của Trại tạm giam số 1.

Trước khi bị phạt tù, Sơn là nhân viên văn phòng, trong một lần đi liên hoan với đồng nghiệp và sử dụng đồ uống có cồn, Sơn đã gây tai nạn khiến 1 người tử vong, sau đó bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Những ngày tháng sau song sắt của trại giam cũng là quãng thời gian để Sơn nhìn nhận lại giá trị của cuộc sống. Sơn cho biết, lúc đầu vào trại giam, nghĩ đến cảnh xa gia đình, nhất là nghĩ đến 2 con thơ dại thì rất đau buồn. Nhưng sau khi được cán bộ quản giáo chia sẻ, động viên, nên Sơn suy nghĩ tích cực hơn, từ đó cố gắng cải tạo tốt để được sớm trở về với gia đình và xã hội.

“Những ngày này, tôi đếm từng giờ, từng phút, khi nghĩ đến cảnh được bước ra khỏi cánh cổng trại giam, bắt xe về với con mà tôi không cầm được nước mắt. Được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, tôi tự hứa với lòng, khi trở về địa phương sẽ sớm tái hòa nhập cộng đồng, sẽ kiếm một công ăn việc làm lương thiện, cố gắng làm một người con hiếu thảo, một người cha tốt…" - phạm nhân Sơn chia sẻ.

Hồi hộp, mong chờ là tâm trạng không chỉ riêng của phạm nhân Nguyễn Hoàng Sơn, mà đó cũng là tâm trạng, cảm xúc chung của các phạm nhân tại Trại tạm giam số 1 trước ngày đặc xá dịp 30/4.

Trung tá Trần Ngọc Hạnh - Trưởng phân trại quản lý phạm nhân, Trại tạm giam số 1, Công an TP Hà Nội cho biết, ngay sau khi có Quyết định đặc xá năm 2025 của Chủ tịch nước, Trại tạm giam số 1 đã tổ chức giáo dục, tuyên truyền, phổ biến thường xuyên trên hệ thống loa phát thanh của trại cho toàn thể phạm nhân hiểu rõ được điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá năm 2025, niêm yết công khai ở tất cả các buồng giam, nhà học tập, nhà thăm gặp thân nhân gia đình phạm nhân. Theo đó, tất cả phạm nhân sau khi được phổ biến, quán triệt về điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá năm 2025, tự đối chiếu, liên hệ với bản thân nếu có đủ điều kiện đặc xá thì cán bộ quản giáo tổ chức cho phạm nhân viết đơn đề nghị đặc xá và bản cam kết theo mẫu quy định.

Theo Trung tá Trần Ngọc Hạnh, để chuẩn bị hành trang ngày trở về tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân được đề nghị đặc xá dịp 30/4 năm nay, đơn vị đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hướng dẫn, dạy nghề cho các phạm nhân với hy vọng mỗi phạm nhân khi trở lại với cuộc sống đều có thể lựa chọn công việc phù hợp để mưu sinh. Bên cạnh đó, tổ chức cho phạm nhân được đề nghị đặc xá học tập hòa nhập cộng đồng, nhằm trang bị kiến thức, tạo điều kiện ban đầu cần thiết cho người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, giúp họ tự tin, xóa bỏ mặc cảm, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội...

"Đối với những phạm nhân chưa được đề nghị đặc xá lần này, đơn vị tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các phạm nhân hiểu về ý nghĩa nhân đạo thể hiện trong Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước để họ nhận thức được rằng, cần phải tích cực học tập, cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước và pháp luật, phấn đấu hoàn lương, trở thành công dân có ích cho xã hội" - Trung tá Trần Ngọc Hạnh thông tin.

Theo kế hoạch, ngày 1/5/2025, Công an TP Hà Nội sẽ tổ chức tha người được đặc xá theo Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Do đó, cùng với việc triển khai thực hiện đặc xá năm 2025, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng Công an cơ sở chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với hệ thống chính trị ở cơ sở sớm có kế hoạch tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng…

Xuân Ngọc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cong-bang-minh-bach-va-khong-de-sai-sot-trong-cong-tac-dac-xa-10304717.html