Công bằng trong tiếp cận dịch vụ
Nắm bắt xu hướng phát triển của nền y tế trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian qua, ngành Y tế nước ta đã đẩy mạnh việc thực hiện khám, chữa bệnh từ xa. Điều này giúp vừa giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trung ương, tiết kiệm chi phí cho người bệnh, vừa nâng dần chất lượng khám, chữa bệnh của tuyến cơ sở, hướng tới một nền y tế công bằng, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng tốt.
Để hoạt động khám, chữa bệnh từ xa phát huy hiệu quả, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Sau hơn 2 tháng triển khai, đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân ở tuyến dưới đã được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao của tuyến trên, trong đó có những bệnh nhân mắc bệnh lý phức tạp được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời. Bên cạnh đó, các bác sĩ tuyến dưới được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy thêm kinh nghiệm.
Khám, chữa bệnh từ xa mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, không phải cơ sở y tế nào cũng đáp ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, công nghệ thông tin để thực hiện hoạt động này.
Trong bối cảnh như vậy, để tạo tiền đề, môi trường tốt cho hoạt động khám, chữa bệnh từ xa phát triển, việc quan trọng là cần hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định về phân tuyến kỹ thuật, chuyển tuyến, chuyển giao kỹ thuật; sớm ban hành danh mục các kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa được thanh toán bảo hiểm y tế, quy chế hướng dẫn bảo mật thông tin trong tư vấn, hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa để bảo đảm quyền lợi của người bệnh…
Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở rộng việc kết nối các điểm cầu bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với các bệnh viện tuyến dưới nhằm hướng đến mục tiêu không còn giới hạn về không gian trong khám, chữa bệnh. Muốn vậy, về mặt ứng dụng công nghệ thông tin cần có nền tảng công nghệ, trang thiết bị theo tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất để có thể vận hành suôn sẻ.
Ngoài ra, cần sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống kết nối trên toàn tuyến, từ trung ương đến cấp tỉnh - huyện - xã, qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Khi đó, các bác sĩ trung ương có thể thường xuyên hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm, hỗ trợ, bàn giao tiến bộ mới trong khám, chữa bệnh cho các bác sĩ tuyến dưới.
Về phía các cơ sở y tế, cần thực hiện tốt Quyết định số 4054/QĐ-BYT ngày 22-9-2020 của Bộ Y tế về việc ban hành tạm thời hướng dẫn và quy định tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đặc biệt, cùng với việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các bệnh viện tuyến dưới cần chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn các y, bác sĩ tham gia hoạt động phối hợp khám, chữa bệnh từ xa nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Để hoạt động khám, chữa bệnh từ xa đạt hiệu quả bền vững, việc làm quan trọng nữa là đẩy mạnh thông tin, truyền thông về khám, chữa bệnh từ xa. Qua đó, thay đổi nhận thức, thói quen của người dân về phương pháp khám, chữa bệnh này.
Hoạt động khám, chữa bệnh từ xa phát triển sẽ góp phần thu hẹp chênh lệch về chuyên môn giữa tuyến trung ương và cơ sở. Đây là tiền đề vững chắc để hướng tới nền y tế công bằng, mọi người dân đều được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe như nhau.