Công bố 2 quy hoạch về du lịch và văn hóa - thể thao tầm nhìn đến năm 2045
Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh đã tiếp nhận thông tin về 2 quy hoạch: hệ thống du lịch; mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sáng 18/10, Bộ VH-TT&DL tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Nguyễn Viết Trường điều hành tại điểm cầu Hà Tĩnh. Đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương cùng dự.
Nhằm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu; chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác; góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại…, ngày 13/6/2024, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch cả nước thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Về định hướng phát triển sản phẩm, sẽ khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển, đảo để phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Đồng thời, phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu trên thị trường quốc tế…
Các mục tiêu cụ thể bao gồm: giai đoạn đến năm 2025 phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm. Giai đoạn 2045, phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.300 nghìn tỷ đồng; đóng góp 17 - 18% trong GDP.
Quy hoạch định hướng phát triển không gian du lịch Việt Nam gồm: 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.
Trong đó, Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được định hướng phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ tài nguyên du lịch biển đảo, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, hệ thống di sản thế giới, các di tích văn hóa lịch sử. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng: du lịch “Con đường di sản miền Trung”; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; du lịch tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử và cách mạng; du lịch sinh thái hang động; du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc; tăng cường liên kết vùng trong phát triển du lịch. KDL Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) là KDL duy nhất của Hà Tĩnh được quy hoạch phát triển thành KDL quốc gia.
Đối với Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng phê duyệt ngày 16/9/2024, đã xác định rõ mục tiêu, phương hướng phát triển, các dự án ưu tiên đầu tư và giải pháp cụ thể để thực hiện.
Trong đó, quy hoạch đề ra 3 mục tiêu phát triển thời kỳ 2021 - 2030 và 2 mục tiêu cho tầm nhìn đến năm 2045, hướng đến tập trung phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại, bản sắc; xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại.
Đối với các tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Tĩnh), cần quy hoạch xây dựng hình thành các trung tâm văn hóa thể thao trọng điểm ở đô thị trung tâm, các thiết chế văn hóa thể thao cấp tỉnh như: bảo tàng, nhà hát, trung tâm tập luyện, thi đấu...
Quy hoạch cũng nhấn mạnh đến nội dung hoàn thiện việc số hóa trong mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao các cấp...
Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra 8 giải pháp thực hiện: cơ chế chính sách; huy động và phân bổ đầu tư; phát triển nguồn lực; liên kết, hợp tác phát triển; giáo dục tuyên truyền; hợp tác quốc tế; môi trường, khoa học công nghệ; mô hình quản lý và phương thức hoạt động.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các giải pháp để thực hiện hiệu quả các Quy hoạch về hệ thống du lịch, về mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các ý kiến đều bày tỏ đồng tình với các nội dung đề ra trong quy hoạch, đây là cơ sở để các ban, ngành địa phương tiến hành quy hoạch, xác định các nội dung trọng tâm để thực hiện hoàn thiện mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao, hệ thống du lịch tại các tỉnh, thành trong thời gian tới. Đồng thời, đưa ra những kiến nghị, giải pháp để thực hiện các quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong cảm ơn các ý kiến góp ý, đồng thời, đề nghị các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể để từng bước triển khai quy hoạch. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung của quy hoạch; rà soát, điều chỉnh các kế hoạch, các dự án trên địa bàn bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch hệ thống du lịch và quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp khác để tổ chức triển khai các nội dung của quy hoạch, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.