CÔNG BỐ 7 LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ MƯỜI

Sáng 11/12, tại Phủ Chủ tịch, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Phạm Thanh Hà, Văn phòng Chủ tịch Nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 7 Luật được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ Mười.

7 Luật công bố lần này gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Cư trú năm 2020; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Phạm Thanh Hà phát biểu tại cuộc họp

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Phạm Thanh Hà phát biểu tại cuộc họp

Tại họp báo, đại diện các bộ, ngành, cơ quan đã thông tin thêm về những điểm mới trong các luật quan trọng này.

Luật Cư trú năm 2020 có 7 chương, 38 điều. Luật quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Đại diện Bộ Công an cho biết, Luật Cư trú năm 2020 ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển KT - XH, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý cư trú.

Toàn cảnh cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 gồm 6 chương, 171 điều, với nhiều quy định mới cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 - 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định như thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Đồng thời, Luật quy định tích hợp thủ tục hành chính vào một giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.

Luật Biên phòng Việt Nam được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia của Đảng, Nhà nước trong những năm qua. Luật gồm 6 chương, 36 điều, có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ở khu vực biên giới và mở rộng hơn so với Pháp lệnh Bộ đội biên phòng. Trong đó, quy định về chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng./.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=50531