Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2022
ĐTO - Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 và hội thảo chính sách “Phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp”. Sự kiện có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu, các Viện, trường và lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Tỉnh Đồng Tháp có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tham dự.
Đây là công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI Cần Thơ và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực: kinh tế, chính sách, nông nghiệp, môi trường, năng lượng, giao thông, logistics... nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế ĐBSCL và những vấn đề quan trọng của vùng. Báo cáo có chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp”, tập trung nghiên cứu mô hình chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động của quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 287 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/2.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, báo cáo năm nay đã chỉ ra lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua, vùng ĐBSCL có mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn bình quân cả nước, với mức tăng trưởng (GRDP) vùng giảm sâu (âm 0,43% trong năm 2021), thấp nhất trong lịch sử phát triển của vùng. ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, hãy nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Kinh tế khu vực ĐBSCL đang đứng trước thử thách của 3 vòng xoáy: “Vòng xoáy ngân sách” phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; “Vòng xoáy lao động” xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư tư ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ. Và “Vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của hai vòng xoáy trên. Trong báo cáo nêu rõ, cần phá vỡ một số mắc xích của các vòng xoáy về kinh tế, xã hội, môi trường thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững...
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều khuyến nghị để tháo gỡ điểm nghẽn nhằm phát triển vùng ĐBSCL trong thời gian sắp tới. Trong đó, có 4 nhóm đề xuất nổi bật gồm: Thứ nhất, nhóm đề xuất thay đổi quan điểm về an ninh lương thực. Theo đó, an ninh lương thực là khả năng tiếp cận với lương thực, khả năng tạo ra dinh dưỡng cho người sử dụng, khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong điều kiện cần thiết “chứ không phải có lúa, có gạo là có an ninh lương thực”. Thứ hai, tăng cường đầu tư cho vùng ĐBSCL, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông. Chỉ khi nào làm được điều này thì chi phí vận tải, logistics và sự kết nối của vùng mới phát huy tốt nhất. Thứ ba là chất lượng nguồn nhân lực, các tỉnh phải tìm cách cải thiện kiến thức, kỹ năng và thái độ của người lao động trong vùng không chỉ để đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn chuẩn bị cho nền kinh tế ĐBSCL trong tương lai. Cuối cùng là giải phóng sức sống của khu vực nông nghiệp và tình trạng suy thoái môi trường.
“Cả thế giới đang được khuyến nghị chuyển đổi số, nhưng với vùng ĐBSCL, chúng tôi khuyến nghị “chuyển đổi nông nghiệp” phải là một ưu tiên và quan tâm hàng đầu trong khu vực”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh. Trong đó cần lưu ý đặc biệt đến chuyển đổi cơ cấu sản phẩm sang phân khúc giá trị cao, chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi cách thức chế biến, lưu thông, phân phối ra thị trường.