Công bố các nền tảng số quốc gia về họp trực tuyến trong tháng 6
Bộ TT&TT vừa phê duyệt Kế hoạch của Bộ TT&TT thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia về Họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Bộ TT&TT vừa phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia về Họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (gọi tắt là nền tảng số quốc gia về họp trực tuyến).
Mục tiêu Bộ TT&TT đặt ra là phát triển nền tảng số quốc gia về họp trực tuyến xuất sắc cả về công nghệ, tính năng và trải nghiệm; cung cấp dịch vụ họp trực tuyến cho cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phục vụ chỉ đạo, xử lý công việc.
Là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia cần ưu tiên phát triển, nền tảng số về họp trực tuyến sẽ được triển khai tại hạ tầng kỹ thuật của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp công nghệ nòng cốt nhằm cung cấp dịch vụ trên toàn quốc.
Tại kế hoạch, Bộ TT&TT đã nêu rõ các yêu cầu đối với nền tảng số về họp trực tuyến.
Yêu cầu cụ thể là nền tảng số quốc gia về họp trực tuyến cho cơ quan nhà nước phải đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật tối thiểu cơ bản và nâng cao về tính năng, chức năng, hiệu năng của Bộ tiêu chí yêu cầu kỹ thuật tại Quyết định 157 ngày 28/1/2022 của Bộ TT&TT. Đồng thời, đảm bảo yêu cầu về an toàn thông tin theo cấp độ về hạ tầng kỹ thuật, lưu trữ, khai thác thông tin, dữ liệu người dùng theo quy định của Nhà nước để tránh nguy cơ thất thoát, khai thác thông tin trái phép. Hỗ trợ khả năng tích hợp với các nền tảng số khác; Hỗ trợ nhiều phương thức kết nối trong họp trực tuyến giúp tận dụng đầu cuối sẵn có để tối ưu chi phí, dễ sử dụng.
Đối với nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, nền tảng do các doanh nghiệp công nghệ nòng cốt phát triển phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về tính năng, chức năng, hiệu năng và an toàn thông tin theo Bộ tiêu chí yêu cầu kỹ thuật tại Quyết định 157 ngày 28/1/2022 của Bộ TT&TT. Nền tảng triển khai trên hạ tầng kỹ thuật trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây của các doanh nghiệp công nghệ nòng cốt, có năng lực đáp ứng nhu cầu người dùng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Sau khi Bộ TT&TT có văn bản đề nghị các doanh nghiệp áp dụng Bộ tiêu chí yêu cầu kỹ thuật tối thiểu đánh giá nền tảng họp trực tuyến do doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ, đã có MobiFone, Viettel, NetNam chủ động liên hệ Cục Bưu điện Trung ương để trao đổi về kế hoạch hoàn thiện sản phẩm theo bộ tiêu chí này.
Trao đổi với ICTnews, ông Vũ Thế Bình, CEO NetNam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá việc Bộ TT&TT chủ động đưa ra các hướng dẫn có yếu tố dẫn dắt rất tích cực. Các tiêu chí, chuẩn kỹ thuật sẽ giúp các chủ đầu tư trong việc lựa chọn nền tảng, giải pháp cho mình, cũng như giúp các nhà cung cấp tại Việt Nam có định hướng ưu tiên giải quyết bài toán từ nhu cầu của cơ quan nhà nước.
Trong kế hoạch mới ban hành, Bộ TT&TT cũng xác định Kế hoạch phát triển nền tảng số quốc gia về họp trực tuyến cho cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải được triển khai quyết liệt, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bên gồm: Đơn vị đầu mối của Bộ TT&TT (Cục Bưu điện Trung ương); các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam; đơn vị đầu mối CNTT các bộ, ngành; Sở TT&TT và các sở, ban, ngành, cấp huyện, cấp xã, các đơn vị liên quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng các đơn vị liên quan khác.
Theo lộ trình, trong tháng 4, doanh nghiệp nòng cốt sẽ hoàn thiện, nâng cấp nền tảng họp trực tuyến đáp ứng yêu cầu tính năng, chức năng, hiệu năng, an toàn thông tin và đóng gói nền tảng để đưa vào sử dụng.
Dự kiến, Tổ công tác chuyên gia đánh giá nền tảng Họp trực tuyến thế hệ mới được thành lập trong tháng 5. Sau đó, Tổ công tác sẽ đánh giá các nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới của các doanh nghiệp nòng cốt, trước khi công bố các nền tảng số quốc gia về họp trực tuyến đáp ứng các yêu cầu trong tháng 6.