Công bố chậm khiến dịch tả lợn châu Phi lan rộng?

Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan trên địa bàn nhiều tỉnh trong thời gian tới là rất cao. Tuy nhiên, một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh.

Cần xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc chậm công bố dịch bệnh.

Cần xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc chậm công bố dịch bệnh.

Chậm công bố dịch tả lợn châu Phi

Lũy kế từ đầu năm đến nay, cả nước có 613 ổ dịch tại 42 tỉnh và đã tiêu hủy hơn 38.000 con lợn. Theo ông Đỗ Gia Khánh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hải Phòng, tính đến ngày 2/7, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 24 hộ của 2 xã thuộc huyện Kiến Thụy và An Dương. Số lợn tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh là 333 con, trọng lượng lợn tiêu hủy 12.802kg; trong đó, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy tiêu hủy bắt buộc 316 con, xã Lê Lợi huyện An Dương tiêu hủy bắt buộc 17 con.

Tại Bắc Kạn, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 81 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 77 xã của 8 huyện làm 4.724 con lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy. Ngoài 2 địa phương trên, một số tỉnh thành cũng có số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy nhiều như Quảng Ninh, Long An…

Các tỉnh có nhiều ổ dịch tập trung tại các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Hòa Bình, Bắc Cạn, Lạng Sơn, tình trạng chậm công bố dịch bệnh theo quy định khiến dịch lây lan nhanh. Tại xã Đông Quan, Lộc Bình, Lạng Sơn, đến thời điểm này đã có 9/14 thôn có dịch tả châu Phi. Thế nhưng hiện ở địa phương cũng không có bất cứ một biển báo nào cho thấy đây là vùng dịch.

Mặc dù dịch lây lan nhanh từ trung tuần tháng 5, nhưng phải đến trung tuần tháng 6 thì nhiều huyện mới công bố dịch. Sự chậm trễ này đã khiến cho công tác phòng, chống dịch là không triệt để và đó cũng là lý do khiến cho Lạng Sơn nhanh chóng trở thành một vùng dịch với 11/11 huyện có dịch tả châu Phi.

Với tốc độ lây lan như hiện nay, địa phương dự kiến số ốm lợn chết có thể lên đến 25.000 con, nhưng hiện mới chỉ có 61 trên 133 xã của 7 huyện công bố dịch. Chậm công bố nên nhân lực, kinh phí cho chống dịch không kịp thời và có tình trạng quản lý, tiêu hủy cũng giao luôn cho người dân.

Bà Đinh Thị Thu - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho hay, do công bố dịch chưa được kịp thời nên việc kiểm soát ra vào dịch bệnh ở các xã mà chưa ra có dịch bệnh chưa được tốt.

Theo Điều 26 của Luật Thú y, khi có dịch bệnh tại các huyện, tỉnh phải công bố dịch khi địa phương xả ra dịch bệnh và có kết luận xác định bệnh thuộc danh mục bệnh động vật phải công bố. Thực tế cho thấy việc chậm công bố dịch không chỉ ở các huyện mà còn ở giữa các tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, với cung cách phòng, chống dịch bệnh như hiện nay thì nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra, phát tán diện rộng trên toàn địa bàn tỉnh Lạng Sơn sau đó có thể lây lan sang các địa phương khác rất cao.

Chưa kiểm soát tốt khâu vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm

Ông Phan Quang Minh - Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp, số ổ dịch và số gia súc mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng gia tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, riêng bệnh dịch tả lợn châu Phi, số ổ dịch tăng 2,4 lần.

Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng là rất cao bởi xu hướng tái đàn ồ ạt, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ trước đây đã bị dịch và mặc dù đã có vắc dịch tả lợn châu Phi phòng bệnh cho lợn thịt, nhưng việc quan tâm, sử dụng vắc xin còn hạn chế, tỷ lệ tiêm phòng còn rất thấp.

Theo Cục Thú y, những tháng cuối năm 2024, cần tập trung theo dõi tình hình dịch bệnh tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, tổ chức triển khai thực hiện 5 Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật động vật trên cạn. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền phòng, chống bệnh động vật.

"Theo Công điện 58 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 4687 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành, các địa phương cần chấm dứt tình trạng chậm công bố dịch ở cấp huyện, tỉnh cần kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc chậm công bố, sẽ khiến dịch bệnh kéo dài, gây phát sinh ô dịch mới", ông Nguyễn Văn Long chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, con giống nhập lậu chính là nguyên nhân gây ra dịch bệnh như dịch cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi… từ nước ngoài vào Việt Nam, gây thiệt hại rất lớn. Bên cạnh đó, hệ thống thú y cơ sở một số nơi còn lỏng lẻo, chưa kiểm soát tốt khâu vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm.

"Việt Nam đang xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bởi vậy, nếu tình trạng nhậu lậu không được kiểm soát tốt thì không chỉ gây ảnh hưởng đến người chăn nuôi trong nước, làm bùng phát dịch bệnh", ông Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố không thể đứng ngoài cuộc, đề nghị phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn triệt để tình trang nhập lậu gia súc, gia cầm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, đề nghị phải chỉ đạo các đơn vị, đồng thời sẽ có văn bản đề nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông cùng phối hợp với lực lượng thú y để thực hiện nhiệm vụ.

Hồng Hạnh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cong-bo-cham-khien-dich-ta-lon-chau-phi-lan-rong-153254.html