Công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 'Nghề làm muối ở Bạc Liêu'
Đây là lần đầu tiên tỉnh Bạc Liêu có Di sản văn hóa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ngày 31/12, tại ấp Gò Cát, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, Sở Văn hóa, Thông tin-Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp UBND huyện Đông Hải, Hòa Bình tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ VH- TT&DL đối với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm muối ở Bạc Liêu”.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Bạc Liêu có Di sản văn hóa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” được xếp vào một trong 7 loại hình của Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, đó là loại hình nghề thủ công truyền thống. Dự lễ có Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu, đại diện các sở, ngành tỉnh và bà con diêm dân ở các địa phương.
Trong thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều giải pháp để phát triển nghề nghề làm muối đã có bề dày hơn trăm năm ở địa phương. Cụ thể tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị và được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Muối ăn Bạc Liêu” vào năm 2013. Đặc biệt, ngày 30/9/2020, Bộ VH-TT&DL đã có Quyết định số 2746 đưa "Nghề làm muối ở Bạc Liêu" vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để Bạc Liêu bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của tỉnh, đồng thời là cơ sở để xây dựng vùng nguyên liệu muối bền vững trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Cao Xuân Thu Vân khẳng định: Nghề làm muối ở Bạc Liêu trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của nhân dân các huyện Đông Hải, Hòa Bình, của người dân tỉnh Bạc Liêu, nhất là bà con diêm dân ở Bạc Liêu mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Đây cũng là điều kiện để bạn bè trong nước và quốc tế hiểu biết hơn về nét đẹp, văn hóa vùng đất ven biển Hòa Bình, Đông Hải nói riêng và vùng đất Bạc Liêu nói chung.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng và biểu dương lãnh đạo và nhân dân các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình; các xã Điền Hải, Long Điền Tây và Long Điền Đông, huyện Đông Hải, những nơi đang tồn tại di sản, và đặc biệt trân trọng, ghi nhận sự đóng góp không thể thiếu của bà con diêm dân đã chung sức bảo tồn và phát triển nghề làm muối ở Bạc Liêu trong thời gian qua; biểu dương và ghi nhận sự đóng góp của tổ chức, cá nhân trong xây dựng và phát triển các sản phẩm được làm từ muối Bạc Liêu, từ đó đã góp phần quảng bá rộng rãi thương hiệu muối Bạc Liêu đến các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị UBND các huyện Đông Hải, Hòa Bình sớm triển khai xây dựng đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm muối ở Bạc Liêu”, trong đó chú trọng xây dựng các giải pháp nhằm mở rộng diện tích làm muối, nâng cao chất lượng muối, tập trung nâng cao đời sống cho bà con diêm dân trên địa bàn; xây dựng thương hiệu muối Bạc Liêu và quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ để thương hiệu muối ngày càng vang xa...
Tại buổi Lễ, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đã trao Bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” cho đại diện lãnh đạo UBND huyện Đông Hải và huyện Hòa Bình. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cũng đã trao tặng Bằng khen cho 8 tập thể, 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm muối ở Bạc Liêu"./.