Công bố Đồ án Quy hoạch bộ, ngành: Điều kiện cần để Hà Nội có quỹ đất xây dựng các công trình dân sinh

Trên cơ sở các nhiệm vụ được phê duyệt, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Đây sẽ là tiền đề để công tác di dời các bộ, ngành khỏi khu vực nội đô sớm được hoàn thành, góp phần giúp Hà Nội có thêm quỹ đất quy hoạch các thiết chế xã hội vì cộng đồng.

Rõ vị trí, rõ thời gian

Theo Đồ án quy hoạch được công bố, trụ sở bộ, ngành gồm hai bản quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại hai khu vực là Tây hồ Tây và Mễ Trì. Trong đó, trụ sở mới sẽ là nơi làm việc của 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc chính phủ và 6 cơ quan Trung ương của các đoàn thể.

Tại khu Tây hồ Tây, theo đồ án quy hoạch trụ sở bộ, ngành có diện tích 35ha, gồm 20,7ha thuộc phường Xuân La (quận Tây Hồ) và 14,3ha tại phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm), sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất về phía Bắc và Nam gắn với 2 trục đường đô thị để tạo thuận lợi cho khách và cán bộ đến tiếp cận làm việc được thuận lợi bằng phương tiện giao thông cơ giới.

Các công trình trụ sở được xây dựng thống nhất chiều cao 12-25 tầng, các khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-24 tầng, thống nhất chỉ giới xây dựng lùi so với mặt đường chính là 20m.

Chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP. Đến tháng 1/2015. (ảnh: Niệm Lê)

Chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP. Đến tháng 1/2015. (ảnh: Niệm Lê)

Đồ án quy hoạch trụ sở bộ ngành chỉ rõ đối với khu Tây Hồ Tây, giai đoạn từ năm 2023 - 2025, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1. Cụ thể, thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng và chuẩn bị đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1. Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, thực hiện đầu tư giai đoạn 1 và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2.

Trong đó sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1 (hoàn thành trụ sở mới, di dời và bàn giao trụ sở cũ vào năm 2030) và chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2. Giai đoạn từ năm 2031 - 2035, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở các Bộ, ngành còn lại và các công trình công cộng (giai đoạn 2).

Đối với khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) có quy mô 55ha, với 43,6ha thuộc phường Mễ Trì và 11,4 ha thuộc phường Trung Văn. Trụ sở làm việc ở đây được thiết kế cao 17-25 tầng, giáp với đại lộ Thăng Long, đường Cương Kiên và đường Lê Quang Đạo kéo dài. Các công trình dịch vụ được thiết kế cao 3-5 tầng. Hệ thống tầng hầm từ 2-5 tầng, mở trống tầng 1-2 để làm sảnh đón tiếp và tạo hướng tuyến đi lại cho người đi bộ.

Giai đoạn từ năm 2023 - 2025, tại khu vực Mễ Trì sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hoàn thành đưa công trình trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào sử dụng. Từ năm 2026 - 2030, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan khác có nhu cầu di dời. Giai đoạn năm 2030 về sau, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các cơ quan có nhu cầu di dời.

Khu Tây Hồ Tây sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc của các bộ, ngành Chính phủ.

Khu Tây Hồ Tây sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc của các bộ, ngành Chính phủ.

Cơ hội giảm tải giao thông nội và có quỹ đất xây các công trình dân sinh

Chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP. Đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội. Nhưng thực tế từ đó cho đến nay đã gần chục năm trôi qua, công tác này diễn ra hết sức chậm trễ với nhiều lý do được đưa ra.

Nguyên nhân của việc chậm trễ này chủ yếu là do công tác di dời, xây dựng cơ sở mới đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn nhưng chưa được bố trí; chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng (cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan).

Ngoài ra các bộ, ngành và địa phương chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở ra khỏi khu vực nội đô).

Theo rà soát của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, tại khu vực nội đô lịch sử, trên địa bàn 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ có 28 cơ quan bộ, ngành Trung ương (không tính đến cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội ở trung tâm Ba Đình).

Trong đó đã có 11 cơ quan được cấp thẩm quyền chấp nhận chủ trương đề xuất di dời. Đó là các bộ: Xây dựng; Kế hoạch Đầu tư, Thông tin Truyền thông;Tư pháp, Giao thông vận tải;Y tế; Lao đông, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng cục Thống kê.

Khu vực được Quy hoạch đã có hạ tầng giao thông đầy đủ, thuận lợi.

Khu vực được Quy hoạch đã có hạ tầng giao thông đầy đủ, thuận lợi.

Đến nay đã có 9 bộ, ngành, cơ quan Trung ương hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới, song chỉ có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan Trung ương quản lý nhưng địa điểm này cũng đã chuyển cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sử dụng. Do đó, việc công bố Quy hoạch trụ sở bộ ngành là hết sức quan trọng trong thời điểm hiện tại, góp phần đẩy nhanh tiến độ di chuyển của các cơ quan Trung ương.

Cũng cần phải nhắc thêm, khu vực quy hoạch này không những có vị trí giao thông thuận lợi, đáp ứng yêu cầu về công tác đối ngoại mà còn phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011 và một số đề xuất của điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đang thực hiện.

Với việc công bố đề án Quy hoạch trụ sở bộ ngành, nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là động lực để thành phố Hà Nội có thể đẩy nhanh tiến độ di dời các nhà máy, trường đại học, cao đẳng và nhiều trụ sở các cơ quan ra khỏi nội đô từ đó gia tăng các không gian mở để xây dựng các thiết chế đô thị như trường học, bệnh viện, công viên… nhằm giảm tải cho khu vực nội đô vốn chật hẹp.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm tải cho khu vực nội thành Hà Nội thì bên cạnh xây dựng các trụ sở thì cần phải quy hoạch, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng như các công trình dịch vụ, thương mại, nhà ở… để vừa thu hút người dân vừa tạo động lực phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cong-bo-do-an-quy-hoach-bo-nganh-dieu-kien-can-de-ha-noi-co-quy-dat-xay-dung-cac-cong-trinh-dan-sinh-158552.html