Công bố kết luận thanh tra 6 trường đại học về mở ngành học mới

Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa công bố loạt kết luận thanh tra liên quan đến việc mở và đào tạo ngành học mới với một số trường đại học lớn trên cả nước.

Trong đó có kết luận thanh tra 6 cơ sở giáo dục đại học gồm: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Các kết luận thanh tra nêu rõ kết quả kiểm tra, xác minh việc thực hiện quy định tự chủ của trường; việc tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; điều kiện bảo đảm ngành đào tạo; nêu rõ các kết quả đạt được; thiếu sót và trách nhiệm của tập thể, cá nhân; kiến nghị các biện pháp xử lý…

3 trường phải dừng tuyển sinh cả chục ngành

Kết luận thanh tra về thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học và các điều kiện bảo đảm ngành đào tạo Trường ĐH Hoa Sen cho biết: Trường không tổ chức tuyển sinh và/hoặc không tuyển sinh được 6 ngành từ năm 2021 - 2022 (gồm: Quản lý tài nguyên môi trường, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Công nghệ thực phẩm, Quản trị văn phòng, Hoa Kỳ học, Bảo hiểm); ngành Nhật Bản học từ năm học 2022-2023. Đồng thời, trường tạm dừng tuyển sinh 4 ngành.

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT dừng tuyển sinh 7 ngành đào tạo trình độ đại học: Giáo dục thể chất, Thiết kế thời trang, Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng, Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học.

Trường ĐH Thủ Dầu Một có 11 ngành dừng tuyển sinh từ năm 2022; 2 ngành Trường dừng tuyển sinh từ năm 2023.

Những trường trên đều có ngành mà khi mở nhà trường đã thực hiện khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ dẫn đến không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh với số lượng rất thấp kể từ khi mở ngành.

Một số trường chưa đảm bảo điều kiện mở ngành

Các kết luận thanh tra cũng chỉ ra một số trường chưa đảm bảo điều kiện mở ngành, chủ yếu liên quan đến giảng viên.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học tại gian tư vấn.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học tại gian tư vấn.

Trường ĐH Hoa Sen, 12 ngành trình độ đại học nhà trường tự chủ mở có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở.

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, tại thời điểm mở ngành, 7/9 ngành trường tự chủ mở có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở.

Trường ĐH Thủ Dầu Một tại thời điểm mở ngành có 7/16 ngành trường tự chủ mở có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) mở ngành khi trường chưa đủ điều kiện tự chủ theo quy định.Cụ thể, tron g thời kỳ thanh tra (từ 1/1/2021 đến 9/9/2022), trong khi trường chưa đủ điều kiện tự chủ theo quy định; trên cơ sở văn bản của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh giao Trường ban hành quyết định mở ngành đối với từng ngành cụ thể, Hiệu trưởng ký ban hành quyết định mở 3 ngành trình độ ĐH, 2 ngành trình độ thạc sĩ và 1 ngành trình độ tiến sĩ sử dụng dấu của trường là chưa đúng quy định.

Thời điểm trường ban hành quyết định mở ngành Hàn Quốc học trình độ thạc sĩ, ngành Hàn Quốc học trình độ đại học của trường chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định. Trách nhiệm để xảy ra thiếu sót trên thuộc về Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách mở ngành và bộ phận tham mưu của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh).

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội số lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ bảo đảm ngành phù hợp tham gia giảng dạy ở các ngành: Du lịch; Công nghệ vật liệu Dệt, may; Thiết kế thời trang còn hạn chế.

Với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đội ngũ giảng viên cơ hữu ngành Luật đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT, nhưng chưa bảo đảm quy định có tối thiểu 3 tiến sĩ với ngành học thuộc lĩnh vực Pháp luật tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT.

Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường được tự chủ mở ngành, miễn đáp ứng các quy định của Bộ GD&ĐT. Còn trước đó, trường muốn mở phải xây dựng chương trình, lập hồ sơ để hội đồng khoa học thông qua, Sở GD&ĐT kiểm tra điều kiện thực tế, sau đó có một hội đồng chuyên môn thẩm định rồi chuyển lên Bộ chờ xem xét, phê duyệt.

Sự thay đổi này tạo điều kiện để ngày càng nhiều ngành được mở mới. Thống kê của Bộ GD&ĐT từ năm 2019 đến tháng 8/2023, các trường mở mới gần 1.200 ngành.

Việc mở nhiều ngành mới được cho là tất yếu, theo xu thế đào tạo đa ngành, cũng như thu hút sinh viên vì học phí là nguồn thu chính, song gây lo lắng về chất lượng.

Trao đổi bên lề hội nghị tuyển sinh hồi tháng 3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, khi mở ngành mới, các trường phải xác định đó có phải là những ngành phù hợp với xu hướng, nhu cầu của xã hội ở hiện tại và tương lai không. Điểm quan trọng nữa là trường phải có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng.

Các trường phải công khai, minh bạch mọi dữ liệu tuyển sinh (từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, các phương thức xét tuyển) để thí sinh lựa chọn. Hiện nay, Bộ GD-ĐT quản lý việc tuyển sinh, mở ngành của các trường thông qua những dữ liệu này, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau mỗi mùa tuyển sinh.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cong-bo-ket-luan-thanh-tra-6-truong-dai-hoc-ve-mo-nganh-hoc-moi-16924040423200025.htm