Công bố kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10/2023, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) công bố kết luận của Đoàn Kiểm tra liên ngành của Việt Nam, đại diện TikTok đã cam kết thực hiện các kết luận của Đoàn Kiểm tra liên ngành.
Theo đó, đối tượng kiểm tra là 2 pháp nhân của TikTok tại Việt Nam, cụ thể: Văn phòng đại diện TikTok Pte. Ltd tại thành phố Hồ Chí Minh (Văn phòng TikTok) và Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam (Công ty TikTok Việt Nam).
Đoàn kiểm tra cũng đã xác lập được một số hành vi vi phạm của TikTok Singapore trong việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Trong kết luận, đoàn kiểm tra đã kiến nghị nhiều biện pháp xử lý đối với TikTok.
Đoàn kiểm tra yêu cầu Văn phòng TikTok chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với hoạt động cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua ứng dụng TikTok; được TikTok Singapore ủy quyền trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Yêu cầu Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam được TikTok Singapore ủy quyền trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Trong kết luận, đoàn kiểm tra sau đó đã kiến nghị nhiều biện pháp xử lý đối với TikTok và đề nghị các Bộ ngành liên quan phối hợp triển khai sau kết luận.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết: “Chúng tôi cam kết tuân thủ quy định pháp luật địa phương. TikTok sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ TTTT và các Bộ ngành liên quan để thực hiện kết luận kiểm tra”.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, TikTok nhận thấy trách nhiệm bảo đảm sự an toàn của người dùng trên mạng là điều rất quan trọng. Trong tháng hành động về chống lừa đảo trực tuyến, cẩm nang chống lừa đảo trực tuyến với 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất đã được TikTok truyền thông tới người dùng trên nền tảng.
“Hiện đã có 1,8 tỷ lượt xem, bình luận của người dùng Việt Nam về nội dung này. Điều đó cho thấy, người dùng đã nắm được những tri thức và qua đó tránh được việc bị lừa đảo. Đây là kinh nghiệm để TikTok phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc mang lại giá trị cho người dùng Việt Nam”, ông Lâm Thanh nói.
Ông Lâm Thanh cho biết: “Nhiều kết luận kiểm tra đã được TikTok thực hiện, một số đang được thực hiện và một số nội dung cần phải có thời gian. Về cơ bản, TikTok sẽ tổ chức để thực hiện kết luận của đoàn kiểm tra”.
Nhận xét về sự phối hợp của TikTok, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TTTT) cho hay, sau khi kết quả kiểm tra được ban hành, Bộ TTTT đã làm việc với TikTok Singapore, đại diện TikTok Singapore sau đó đã cam kết sẽ thực hiện các yêu cầu của đoàn kiểm tra.
“Công ty TikTok Singapore và 2 văn phòng tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ TTTT, đồng thời cam kết khắc phục các sai phạm trong 30 ngày tới. Trong trường hợp các nền tảng xuyên biên giới không tuân thủ các quy định pháp luật, các nền tảng đó sẽ không được chào đón tại Việt Nam”, ông Lê Quang Tự Do khẳng định.
Theo ông Lê Quang Tự Do, việc kiểm tra TikTok có sự phối hợp 6 bộ, ngành cùng tham gia. Trong thời gian tới, sự phối hợp giữa các bộ ngành sẽ ngày càng chặt chẽ hơn với việc quản lý thông tin trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng xuyên biên giới.
Các hành vi vi phạm của Tiktok tại Việt Nam
Đoàn kiểm tra của Bộ TTTT đã xác lập được một số hành vi vi phạm của TikTok Singapore khi cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Cụ thể,liên quan việc cung cấp dịch vụ mạng xã hội, về bảo vệ trẻ em: Thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội; thông tin gây hại cho trẻ em…
Quy trình kiểm duyệt nội dung chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam…
Không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em; không tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá phân loại theo mức độ an toàn cho trẻ em; vẫn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản dù là nền tảng mạng xã hội chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên…
Chưa áp dụng chính sách bảo vệ nội dung có bản quyền của người dùng; chưa thông báo đầu mối liên lạc về vấn đề quyền tác giả...
Về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử:Tiktok chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ của ứng dụng TikTok Shop theo quy định, chưa lưu trữ đầy đủ thông tin người bán theo quy định khi đăng ký sử dụng dịch vụ; chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin về hàng hóa của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định...