Công bố kết quả nghiên cứu mới và khả năng nhân rộng các mô hình của Chương trình Tây Nguyên
Ngày 6-12, tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo khoa học liên ngành Quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên-môi trường và phòng tránh thiên tai trên Tây Nguyên.
Hội thảo nhằm giới thiệu một số kết quả nghiên cứu đạt được của “Chương trình KH và CN phục vụ phát triển kinh tế- xã hội vùng Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” (gọi tắt là Chương trình); giới thiệu một số mô hình hay đã và đang trình diễn, thử nghiệm tại 5 tỉnh Tây Nguyên; trao đổi thảo luận về khả năng nhân rộng phát triển các kết quả, các mô hình tại các tỉnh Tây Nguyên.
Chương trình được Chính phủ giao cho Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam chủ trì, thực hiện từ năm 2016 đến 2020. Đây là chương trình KH và CN cấp quốc gia, bao trùm ba lĩnh vực: Tự nhiên, xã hội và công nghệ. Chương trình có 32 nhiệm vụ, trong đó lĩnh vực khoa học tự nhiên 18 nhiệm vụ; khoa học công nghệ 11 nhiệm vụ; khoa học xã hội 8 nhiệm vụ, với hơn 900 cán bộ khoa học thuộc 14 bộ, ngành tham gia nghiên cứu. Đến nay, nhiều nhiệm vụ, đề tài đã hoàn thành, các mô hình trình diễn, thử nghiệm chứng minh hiệu quả và sẵn sàng chuyển giao cho địa phương để phục vụ định hướng, quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Tại Hội thảo có 14 bài trình bày, đáng chú ý là các kết quả nghiên cứu: Quy trình công nghệ quản lý, khai thác sử dụng nguồn nước; mô hình phục hồi bãi thải công nghiệp thành đất canh tác; mô hình chăn nuôi gia súc bán tự nhiên và tự nhiên,... Các kết quả nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp khắc phục quá trình thoái hóa đất; chống hạn, giải quyết vấn đề thiếu nước giải quyết vấn đề về xử lý môi trường của các cụm, khu công nghiệp, tiếp cận công nghệ thông tin, dữ liệu lớn trong quản lý tài nguyên và môi trường khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, đã xây dựng được cơ sở dữ liệu đồng bộ về hiện trạng tài nguyên môi trường, kinh tế, xã hội và công nghệ của Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam cho rằng, ngoài mục tiêu hội thảo đã được đã được nêu rõ thì mỗi đại biểu sở ngành tham dự hội thảo có thêm thông tin về kết quả và những khả năng mà các nhiệm vụ thuộc Chương trình chuyển giao để áp dụng tại địa phương mình.
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Đông cho biết, Hội thảo diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu trong những năm qua tương đối phức tạp, các tỉnh Tây Nguyên chịu tác động khá lớn, dẫn đến sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng. Các số liệu của dữ liệu, báo cáo khoa học của Chương trình có giá trị cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng trong việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho địa phương trong việc quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành của tỉnh tiếp thu các kết quả của các nhiệm vụ thuộc Chương trình, nghiên cứu lựa chọn những nội dung đã triển khai có kết quả tốt và phù hợp với Gia Lai để tham khảo, triển khai tại địa phương.
Sau khi nghe báo cáo các kết quả nghiên cứu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trương Thanh Tùng góp ý, việc cải tạo đất tại các bãi thải sau khai thác khoáng sản bằng trồng keo lá tràm hiện nay hiệu quả kinh tế không cao, các nhà khoa học cần nghiên cứu trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn; cần chọn lựa giống cỏ, giống bò có năng suất cao vì diện tích bãi thả, diện tích trồng cỏ ngày càng thu hẹp. Đề tài nghiên cứu về hang động núi lửa Krông Nô cần mở rộng diện tích khảo sát.
Phát biểu kết thúc hội thảo, TS Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm Chương trình cho rằng, sau Chương trình Tây Nguyên 3, Chính phủ giao Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam tiếp tục chủ trì Chương trình này cho thấy chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ trong việc đưa KH và CN vào phát triển kinh tế-xã hội của Tây Nguyên. Thời gian qua, Chương trình có sự đồng hành của các nhà quản lý ở địa phương. Đến nay, một số kết quả nghiên cứu đã hoàn thành , mô hình cho thấy tính hiệu quả, do đó, không phải đợi đến khi Chương trình tổng kết, đề tài nghiệm thu mà cần chuyển giao, chia sẻ với các nhà khoa học, quản lý ở Tây Nguyên để nhân rộng, đồng thời nhận những ý kiến phản hồi, góp ý của các nhà quản lý, người dân. Việc liên kết giữa nhà khoa học, người dân thụ hưởng mô hình và cam kết của chính quyền địa phương đối với kết quả của Chương trình sau khi Chương trình kết thúc là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần có cơ chế, động lực mới để thực hiện, phát huy hiệu quả các kết quả nghiên cứu trong thực tiễn.