Công bố kết quả phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2021
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả đánh giá trong công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2021 (PACA).
Phạm vi đánh giá tập trung vào các nội dung: đánh giá việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN); đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; việc phát hiện và xử lý tham nhũng; thu hồi tài sản tham nhũng. Thời kỳ đánh giá, từ 16-12-2020 đến 15-12-2021.
Phát hiện và xử lý tham nhũng chưa đạt yêu cầu
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), năm 2021, điểm trung bình chung công tác PCTN cấp tỉnh đạt 62,12 điểm, giảm nhẹ so với năm 2020. Năm 2021 là năm có duy nhất 1 địa phương đạt điểm sau rà soát dưới mức trung bình, có 9 tỉnh đạt điểm sau rà soát trên 70, (năm 2020 có 16 tỉnh trên 70 điểm). Khoảng cách chênh lệch điểm giữa địa phương cao nhất và thấp nhất đã được thu hẹp hơn nhiều khi so sánh với các năm trước. Nội dung “Phát hiện và xử lý tham nhũng” được cơ cấu điểm nhiều hơn (40 điểm), điểm trung bình sau rà soát không cao (18,78/40), phản ánh thực tế công tác phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng tại địa phương chưa đạt yêu cầu theo kỳ vọng.
Theo kết quả đánh giá, so với năm 2020, một số địa phương duy trì tốt kết quả PCTN như TPHCM, Quảng Ninh, Thanh Hóa. TTCP cho hay, ở giai đoạn trên, trong công tác thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nhìn chung các tỉnh chưa có nhiều chuyển biến tích cực; địa phương thực hiện tốt nhất là tỉnh Hậu Giang (đạt 24,94 điểm, tương đương hơn 83% so với yêu cầu), trong khi đó tỉnh Đắk Lắk có kết quả thấp nhất.
Qua đánh giá, TTCP còn cho rằng, các địa phương thường có điểm ở khâu ban hành kế hoạch và tiếp nhận kiến nghị, phản ánh; còn kết quả giải quyết về xung đột lợi ích; kết quả xử lý vi phạm vẫn khá thấp.
Đối với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước, kết quả trung bình của nội dung này chỉ đạt 1,16/5 điểm, thấp hơn so với năm 2020. Qua thống kê, đa số địa phương chỉ đạt bằng hoặc dưới điểm trung bình (47 tỉnh, thành phố), trong đó có 17 địa phương không có điểm. Đa số UBND cấp tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác phòng ngừa, trong khi các nội dung khác phải thực hiện thì kết quả chưa tốt, như việc thực hiện công khai, minh bạch; kiểm soát xung đột lợi ích...
Trong công tác xử lý tham nhũng, TTCP cho biết, việc xử lý hình sự đạt kết quả cao nhất (điểm trung bình 6,52/7,5 điểm, tương đương với 86,93% yêu cầu), cao hơn nhiều so với các biện pháp xử lý hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Đa số các địa phương có kết quả tích cực. Tỉnh Lai Châu không có điểm ở tiêu chí này.
Thu hồi tài sản tham nhũng có khả quan
TTCP cho rằng, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm 2021 đạt trung bình 6,03/10 điểm, tương đương 60,3% yêu cầu. So với tình hình thực tiễn, công tác thu hồi tài sản tham nhũng của cả nước, đây là một kết quả khả quan. Cụ thể, có tới 19 địa phương đạt trên 80% yêu cầu, trong đó có 7 địa phương đạt điểm tối đa, có 37 địa phương đạt điểm dưới mức trung bình, cho thấy kết quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn sự chênh lệch đáng kể giữa các địa phương,
“Việc thu hồi tài sản tham nhũng bằng các biện pháp hành chính (đạt 62,56%) hiệu quả hơn so với việc thu hồi bằng các biện pháp tư pháp (đạt 58,05%). Một số địa phương như Hải Dương, Bắc Kạn, Lai Châu, Yên Bái, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Trà Vinh, Quảng Ninh, Tuyên Quang có kết quả thu hồi tài sản qua biện pháp tư pháp cao, nhưng có kết quả thu hồi tài sản tham nhũng bằng biện pháp hành chính thấp; hoặc ngược lại như Hà Nam, Đồng Nai, Hà Nội, Thanh Hóa... Do đó, trong những năm tới, các địa phương không những cần đẩy mạnh công tác thu hồi tài sản tham nhũng nói chung, mà còn cần chú ý nâng cao hiệu quả của từng biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng”, TTCP nhấn mạnh.
Qua kết quả đánh giá năm 2021, TTCP kiến nghị các địa phương cần bám sát, kết hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh triển khai các nhiệm vụ về PCTN nói chung, phát huy vai trò của xã hội và người dân; nâng cao vai trò giám sát và chất lượng các cuộc giám sát trong việc phát hiện tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Đồng thời cũng cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế bảo vệ người tố cáo, phát huy cơ chế khen thưởng người có thành tích trong tố cáo hành vi tham nhũng để khuyến khích người dân, xã hội, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp cùng chung tay với Nhà nước trong công tác PCTN.
Đối với việc xử lý hành vi tham nhũng, địa phương cần chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiên quyết chuyển xử lý hình sự đối với cán bộ, công chức và người đứng đầu cơ quan đơn vị khi phát hiện có hành vi tham nhũng.