Công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 8 đạo luật
Ngày 17-7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, công bố 8 đạo luật vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Tại buổi họp báo, thừa lệnh Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố các lệnh về việc công bố luật vừa được Quốc hội thông qua, bao gồm:
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tạo động lực cho cạnh tranh và phát triển sáng tạo của doanh nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích hoạt động của các tổ chức xã hội; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Luật Đấu thầu được sửa đổi để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước; hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024, sẽ tạo bước chuyển lớn trong lĩnh vực thầu, thúc đẩy hiệu quả thực chất đồng vốn Nhà nước, đồng thời góp sức xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.
Luật Giá được sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá, góp phần tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Luật Hợp tác xã được sửa đổi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên.
Luật Phòng thủ dân sự được ban hành nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân được ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Công an nhân dân hiện hành; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động…
Luật Công an nhân dân hiện hành đã quy định 199 vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng. Luật Công an nhân dân sửa đổi vừa được thông qua đã quy định bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong công an nhân dân. Trong đó, 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sau khi được Quốc hội thông qua bao gồm 3 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Điều 3 là điều khoản thi hành.
Luật sửa đổi và quy định cụ thể về khai báo tạm trú. Theo đó, người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm công an nơi có cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú. Trường hợp đồn, trạm biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đồn, trạm biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm công an nơi người nước ngoài tạm trú.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cong-bo-lenh-cua-chu-tich-nuoc-cong-bo-8-dao-luat-post697822.html