Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Biên phòng Việt Nam

Ngày 11-12, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam về việc công bố 7 Luật đã được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua, trong đó có Luật Biên phòng Việt Nam. Đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, chủ trì buổi họp báo.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 7 Luật, trong đó có Luật Biên phòng Việt Nam vừa được Quốc hội XIV thông qua. Ảnh: Linh Đan

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 7 Luật, trong đó có Luật Biên phòng Việt Nam vừa được Quốc hội XIV thông qua. Ảnh: Linh Đan

Dự buổi họp báo có Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phó Bí thư Đảng ủy BĐBP, Tư lệnh BĐBP; Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP…

Tại buổi họp báo, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 7 Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua, gồm: Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN); Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Bảo vệ môi trường; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Thỏa thuận Quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến thông tin về Luật BPVN tại buổi họp báo. Ảnh: Linh Đan

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến thông tin về Luật BPVN tại buổi họp báo. Ảnh: Linh Đan

Giới thiệu về Luật BPVN tại buổi họp báo, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết, Luật BPVN gồm 6 chương, 36 điều. Luật BPVN được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của Đảng, Nhà nước trong những năm qua như: Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới; Chiến lược quốc phòng; Chiến lược quân sự; đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia; kế thừa những quy định còn giá trị và khắc phục những bất cập, hạn chế của Pháp lệnh BĐBP năm 1997; luật hóa các quy định hiện đang ban hành trong các văn bản pháp luật có liên quan.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Linh Đan

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Linh Đan

Việc ban hành Luật BPVN đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ nhằm tăng cường hiệu lực trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; đồng thời, là cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng BĐBP nói riêng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Theo thông tin từ buổi họp báo, ngày 11-11-2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật BPVN và được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ký Lệnh số 11/2020/L-CTN ngày 25-11-2020 về việc công bố Luật. Luật BPVN sẽ hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022. Trên cơ sở Luật BPVN, Chính phủ sẽ ban hành 2 nghị định, Bộ Quốc phòng sẽ ban hành 2 thông tư chi tiết thực hiện. HIện nay, Bộ Quốc phòng đang xây dựng Kế hoạch triển khai Luật BPVN đảm bảo đúng tiến độ quy định.

Linh Đan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cong-bo-lenh-cua-chu-tich-nuoc-ve-luat-bien-phong-viet-nam-post435774.html