Công bố Luật Đất đai 2024 và Luật Căn cước đến kiều bào
Chiều 6/9, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Luật Đất đai và Luật Căn cước đến cán bộ, công chức, người lao động Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Văn Thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cho biết qua ghi nhận ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của kiều bào, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM nhận thấy, phần đông đồng bào vẫn còn quan tâm thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam. Đồng thời đồng bào vẫn có nguyện vọng được cấp thẻ căn cước công dân, được sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam...
Vì thế, việc cung cấp những thông tin, những nội dung trọng tâm của Luật Đất đai và Luật Căn cước có ý nghĩa sâu sắc, tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh. Qua đó, kiều bào góp phần thúc đẩy đất nước phát triển bằng cả tinh thần, tài lực và trí lực trong những năm tới.
Tại Hội nghị, Tiến sĩ Phan Hải Hồ, Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện cán bộ TP.HCM chia sẻ những điểm mới trong Luật Đất đai 2024.
Ông Hồ cho biết, trong bộ Luật có quy định về chế độ sở hữu đất, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước trong công tác quản lý đất đai thuộc lãnh thổ nước CHXHCNVN; về quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc sử dụng đất đai.
Bộ Luật gồm 5 mục đích chính, hướng tới lợi ích toàn thể nhân dân như hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phù hợp, giải quyết tình trạng mâu thuẫn trong các chính sách pháp luật liên quan đến đất đai; tháo gỡ các vướng mắt thực tiễn; cân bằng lợi ích các chủ thể trong quan hệ đất đai; thiết lập hệ thống quản lý hiệu quả..
Luật Đất đai 2024 bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; phải công bố công khai tất cả các loại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bổ sung về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; quy định nguyên tắc, điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất...
Về Luật Căn cước, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM cho biết, có nhiều quy định mới về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo ông Hải, tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về căn cước đến địa phương là trách nhiệm chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong phạm vi quyền hạn của mình, phải kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về căn cước nếu phát hiện sai phạm và xác thực điện tử theo quy định của pháp luật.
Trong đó, Luật bổ sung quy định theo hướng mở rộng, tích hợp thêm một số thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; đổi tên từ thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước; sửa đổi quy định về một số thông tin trên thẻ để phù hợp với thực tiễn và tạo thuận lợi hơn cho người dân.
Đồng thời bổ sung quy định điều chỉnh đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; quy định 1 chương riêng về căn cước điện tử, danh tính điện tử của công dân Việt Nam nhằm góp phần đẩy mạnh quá trình thực hiện chuyển đổi số ở nước ta.
Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2024 và Luật Căn cước được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024, một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng – Nhà nước đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trong đó có đồng bào ta ở nước ngoài – bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/cong-bo-luat-dat-dai-2024-va-luat-can-cuoc-den-kieu-bao-446959.html