Công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 3/4, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 13/3/2025, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2025.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, chủ trì.
Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần ngày 2/9/1969, tại Thông báo số 14-TB/TW ngày 4/12/1969, Bộ Chính trị đã quyết định: "Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người".
55 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quang cảnh buổi họp báo.
Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Pháp lệnh Bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - văn bản quy phạm pháp luật cao nhất hiện nay để thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Pháp lệnh gồm 6 chương, 32 điều, gồm: Quy định chung; Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; Quản lý, bảo vệ các công trình, khu vực, hoạt động trong Khu Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Ngân sách bảo đảm, chế độ, chính sách đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Điều khoản thi hành.

Thiếu tướng Phạm Hải Trung, Trưởng Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới thiệu những nội dung chính về Pháp lệnh.
Thiếu tướng Phạm Hải Trung, Trưởng Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho biết Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; Khu di tích K9; Công trình hỗ trợ phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, là những công trình, khu vực có giá trị chính trị, lịch sử-văn hóa, quốc phòng, an ninh đặc biệt của quốc gia.
Thời gian qua, thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tồn tại một số vướng mắc, bất cập. Bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ đặc thù, vừa phải bảo đảm tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ công trình Lăng, vừa thực hiện đón tiếp nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác và tham quan khu vực, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử-văn hóa của khu di tích.

Đại biểu tham dự họp báo.
Pháp lệnh quy định ưu tiên tuyển chọn, tuyển dụng người có tài năng, nhà khoa học có chuyên môn sâu, thanh niên, sinh viên xuất sắc vào lực lượng bảo vệ di tích. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ: giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị kỹ thuật các công trình, khu vực thuộc khu di tích; bảo đảm an ninh, an toàn khu di tích; đón tiếp, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử-văn hóa của khu di tích; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ khu di tích.
Lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hưởng chế độ tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật và các chế độ phụ cấp đặc thù, trợ cấp, hỗ trợ phù hợp với tính chất nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ.
Sau khi Pháp lệnh được ban hành, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định, Bộ Quốc phòng có Thông tư quy định chi tiết các nội dung trong Pháp lệnh.