Công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và hệ thống du lịch
Sáng nay (18/10), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030; tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Mục tiêu đón 35 triệu lượt khách quốc tế năm 2030
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Một số mục tiêu cụ thể được đề ra là năm 2025, ngành du lịch phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm, ngành du lịch đóng góp trực tiếp 8 - 9% GDP cả nước.
Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm, đóng góp trực tiếp từ 13 - 14% trong GDP.
Quy hoạch cũng xác định rõ phương hướng phát triển thị trường du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch trong từng giai đoạn từ nay đến năm 2030, định hướng đầu tư phát triển du lịch.
Quy hoạch tổ chức không gian du lịch Việt Nam gồm: 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các Khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia.
Đồng thời, Quy hoạch cũng nêu rõ công tác tổ chức, phát triển hệ thống doanh nghiệp du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, các danh mục dự án ưu tiên đầu tư.
Xây mới nhiều bảo tàng, trung tâm biểu diễn, cơ sở dịch vụ thể thao
Hội nghị cũng công bố Quyết định số 991/QĐ-TTg ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó nêu rõ phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia và phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia gồm 12 đối tượng: mạng lưới bảo tàng, mạng lưới thư viện, mạng lưới cơ sở điện ảnh, mạng lưới cơ sở nghệ thuật biểu diễn, mạng lưới cơ sở triển lãm văn hóa, nghệ thuật, mạng lưới trung tâm văn hóa ở trong nước, trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa.
Mục tiêu chung là phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định và nhu cầu thực tiễn, bảo đảm công bằng trong tham gia, hưởng thụ của nhân dân các vùng, khu vực trong cả nước, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm liên kết vùng và liên kết với các kết cấu hạ tầng khác trong phạm vi lãnh thổ.
Hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm gắn với các đô thị quan trọng của quốc gia và vùng tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, TPHCM, Cần Thơ; tạo lập sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp; đăng cai tổ chức thành công Đại hội thể thao châu Á.
Trong đó, có việc nghiên cứu, xây dựng mới một số bảo tàng quốc gia và một số bảo tàng chuyên ngành. Nghiên cứu, xây dựng mới 4 công trình trọng điểm đạt quy mô, sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi, gồm: Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Nâng cấp 4 công trình đạt quy mô, sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi, gồm: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam.
Đầu tư xây dựng các trung tâm nghệ thuật biểu diễn theo mô hình các tổ hợp trung tâm nghệ thuật biểu diễn với quy mô đạt cấp đặc biệt, sức chứa hơn 3.000 chỗ ngồi tại Hà Nội và Đà Nẵng; Trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại và Nhà hát tổng hợp quốc gia tại TPHCM với sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi cho mỗi cơ sở...
Phát triển mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia một cách đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ của nhân dân, yêu cầu tập luyện và thi đấu đạt chuẩn quốc tế đối với các môn thể thao trọng điểm…
Sớm đưa 2 quyết định của Thủ tướng vào cuộc sống
Tại Hội nghị, đại biểu từ các địa phương cũng đã thảo luận, đóng góp ý kiến để sớm hoàn chỉnh và triển khai thực hiện quy hoạch, từ đó Bộ VHTT&DL sẽ ban hành kế hoạch cụ thể thực hiện 2 quy hoạch này.
Theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, việc xây dựng và ban hành Quyết định về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng con người Việt Nam, tạo sự chuyển biến to lớn đối với phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và đảm bảo phát triển bền vững của đất nước ta trong thời kỳ mới.
“Hai Quy hoạch này được ban hành cùng với Luật Thủ đô đã được Quốc Hội phê chuẩn, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội để thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo chỉ đạo tại Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Chính phủ. Đây là cơ hội để thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, thể thao, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô”, lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ An Phong cho rằng việc tổ chức công bố 2 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt góp phần tuyên truyền sâu rộng về những nội dung cơ bản, ý nghĩa, mục tiêu của 2 quyết định quy hoạch trong các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động để sớm đưa 2 quyết định vào cuộc sống.
Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh các quyết định quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được thực hiện với mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu; chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác; góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Việc phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển thể dục, thể thao đồng bộ cả về chiều rộng và chiều sâu, bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và chủ quyền quốc gia; gắn kết với các nhiệm vụ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và các quy hoạch khác có liên quan; kết nối hiệu quả từ trung ương đến địa phương; bảo đảm sự cân đối, hài hòa, phù hợp với các vùng, miền và giữa các lĩnh vực, nhất là các đối tượng chính sách và yếu thế, đồng bào các dân tộc thiểu số; góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, phát huy tối đa vai trò quan trọng của thể dục, thể thao.