Công bố quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Sáng 18/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức Hội nghị công bố 'Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045'.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Hội nghị được kết nối trực tiếp kết hợp với trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; lãnh đạo các huyện, thành phố.

Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Đạo Cương, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL đã công bố Quyết định số 991/QĐ-TTg, ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 509/QĐ-TTg, ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu của phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định và nhu cầu thực tiễn; bảo đảm công bằng trong tham gia, hưởng thụ của nhân dân các vùng, khu vực trong cả nước; bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm liên kết vùng và liên kết với các kết cấu hạ tầng khác trong phạm vi lãnh thổ.

Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao. Hình thành các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ học tập, rèn luyện suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đến năm 2045, hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm gắn với các đô thị quan trọng của quốc gia...

Để thực hiện các mục tiêu, phương hướng nêu trên, Quy hoạch đưa ra 8 giải pháp thực hiện bao gồm: Giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về huy động và phân bổ vốn đầu tư; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển; giải pháp về giáo dục, tuyên truyền; giải pháp về hợp tác quốc tế; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về mô hình quản lý, phương thức hoạt động.

Về Quy hoạch hệ thống du lịch, mục tiêu tổng quát của quy hoạch đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.

Mục tiêu cụ thể, năm 2025, phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm, đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP; đến năm 2030 đóng góp trực tiếp từ 13 - 14% trong GDP, tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm.

Về môi trường, phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đến năm 2030, 100% các khu, điểm du lịch; các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

Đến năm 2045, du lịch khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế; điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7,3 tỷ đồng; đóng góp 17-18% trong GDP.

Về định hướng phát triển sản phẩm, sẽ khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển, đảo để phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển và du lịch tàu biển. Phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cùng với đó, phát huy giá trị văn hóa vùng, miền làm nền tảng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu lối sống, ẩm thực; kết nối các di sản Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới; gắn kết hiệu quả du lịch với công nghiệp văn hóa.

Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp để phát triển du lịch, trong đó có vấn đề phát triển nhân lực du lịch; đầu tư kinh phí…

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, và đưa ra các định hướng, giải pháp để phát triển mạng lưới cơ sở VH,TT&DL một cách đồng bộ, hiện đại, phù hợp với 2 Quy hoạch cũng như các điều kiện thực tiễn của địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội nghị; đồng thời yêu cầu cơ quan chủ trì thực hiện phê duyệt Quy hoạch tiếp thu các ý kiến phát biểu của các đại biểu để triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Để thực hiện tốt các nội dung Quy hoạch, Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung cốt lõi của quy hoạch đến các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, thực hiện có hiệu quả các nội dung của Quy hoạch.

Trên cơ sở các nội dung Quy hoạch, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện; đồng thời tăng cường tính chủ động, trách nhiệm quản lý, làm tốt công tác quản lý quy hoạch, để vừa đảm bảo quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa phát huy tối đa nguồn lực thực hiện.

Cùng với đó, cần tập trung nghiên cứu sửa đổi, đề nghị sửa đổi, ban hành mới các chủ trương, cơ chế, chính sách, quy định đã ban hành để phù hợp với Quy hoạch. Có kế hoạch trong việc lựa chọn ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển VH,TT&DL, tránh dàn trải, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển các hoạt động VH,TT&DL...

Nguyễn Lựu - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/cong-bo-quy-hoach-mang-luoi-co-so-van-hoa-the-thao-va-quy/d20241018151432893.htm