Công bố quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 28/2, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với chủ đề 'Bình Thuận - Nơi đáng sống - Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư'.
Đến dự buổi lễ có ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Ninh Thuận, Tuyên Quang…
Về phía địa phương có ông Dương Văn An - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng; Đại diện các sở, ban, ngành tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các nhân sĩ, trí thức, nông dân sản xuất giỏi…
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27/12/2023 phù hợp với mục tiêu định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững.
Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng duyệt là cơ sở, tiền đề, động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; Mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; Trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế;
Tiến tới hình thành một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; Hướng tới hình thành một trong những trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ của vùng và quốc gia. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Đặc biệt, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ có nền kinh tế phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại, là trung tâm năng lượng sạch trung tâm cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao; Trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng và quốc gia gắn với đô thị biển hiện đại; Đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng cao; Quốc phòng và an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh sắp xếp lại không gian phát triển, hoạch định chính sách, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong nhiều năm tới.
Để thực hiện thành công các mục tiêu đã được Quy hoạch, ông Dũng cho rằng địa phương sẽ huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và xã hội để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột.
Với công nghiệp, nòng cốt sẽ là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên kết ngành làm nền tảng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trụ cột dịch vụ - du lịch định hướng phát triển với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể thao biển; Dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; dịch vụ logistics…
Riêng đối với nông nghiệp, tỉnh chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Để làm được điều đó, Quy hoạch đề ra 6 nhóm giải pháp, nguồn lực thực hiện. Quy hoạch xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ 2021-2030 với hơn 230 dự án thuộc các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Với những nội dung định hướng trên, tỉnh định hướng huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực, tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, phát huy tốt nhất các lợi thế so sánh, tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn”, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo đột phá trong thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
Bình Thuận cam kết luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết kịp thời và hiệu quả những khó khăn, vướng mắc đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; Tạo dựng hệ sinh thái phát triển tốt nhất. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn, phát triển hiệu quả và bền vững trong tương lai.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An hồ hởi cho biết, tỉnh Bình Thuận phấn khởi khi ngày 27/12/2023 được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1701 phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển tỉnh; Là cơ sở pháp lý để sắp xếp không gian, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; Khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Bình Thuận phát triển nhanh, toàn diện, bền vững trong 30 năm tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng những kết quả mà tỉnh Bình Thuận đã đạt được trong thời gian qua; Chúc mừng các nhà đầu tư đã chọn Bình Thuận và tin tưởng các dự án sẽ thực hiện thành công.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý tỉnh Bình Thuận cần phải căn cứ theo quy hoạch đã được duyệt để thực hiện phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Quan trọng nhất là phải có tính định hướng và cơ sở để kiểm soát việc phát triển theo định hướng đó, tuân thủ theo quy hoạch được duyệt. Trong thực hiện quy hoạch phải linh hoạt, triển khai cụ thể, đồng bộ tất cả các quy hoạch. Bình Thuận có thế mạnh để phát triển kinh tế biển và du lịch, nguồn lực dồi dào không phải nơi nào cũng có được.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, du lịch Bình Thuận rất mạnh và có vị thế riêng trên bản đồ du lịch cả nước, vì vậy, cần tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, có kinh nghiệm, đặc biệt về ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Về không gian phát triển, Bình Thuận phải quan tâm phát triển các dự án có tiềm năng kinh tế, mang đến lợi ích cho người dân, tuy nhiên vẫn phải gắn liền với môi trường xanh. Tỉnh cần thúc đẩy du lịch, nhất là du lịch tại Phan Thiết theo hướng chất lượng cao.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 nhà đầu tư, ngoài ra cũng trao Bản ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư khác, với tổng số vốn hơn 100.000 tỷ đồng.