Công bố quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô
Sáng 14/1,Thủ tướng Chính phủ chủ trì công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trước đó, ngày 12/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1569 phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổng diện tích tự nhiên lập quy hoạch là 3.359,84 km².
Về mục tiêu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5% thời kỳ 2021 - 2030. Quy mô dân số thường trú khoảng 10,5 - 11 triệu người.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, 5 nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là bảo vệ môi trường và cảnh quan; phát triển đô thị và nông thôn; phát triển kinh tế; phát triển văn hóa - xã hội và phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
4 khâu đột phá gồm: Thể chế và quản trị; Hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và tài nguyên nhân văn; Đô thị, môi trường và cảnh quan.
Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được xác định theo mô hình: 5 không gian phát triển - 5 hành lang và vành đai kinh tế - 5 trục động lực phát triển - 5 vùng kinh tế, xã hội - 5 vùng đô thị.
Trong đó, 5 không gian phát triển gồm không gian trên cao, không gian ngầm dưới mặt đất, không gian công cộng, không gian văn hóa sáng tạo và không gian số.
Các hành lang, vành đai kinh tế Thủ đô được hình thành trên cơ sở các tuyến hành lang kinh tế được xác định trong quy hoạch tổng thể quốc gia.
5 trục động lực gồm: trục sông hồng; trục Hồ Tây - Cổ Loa; Nhật Tân - Nội Bài; Hồ Tây - Ba Vì và trục phía Nam.
5 vùng kinh tế xã hội: vùng trung tâm (gồm khu vực nội đô lịch sử; khu vực đô thị trung tâm và đô thị trung tâm mở rộng tại phía Nam sông Hồng); vùng phía Đông; vùng phía Nam; vùng phía Tây và vùng phía Bắc.
5 vùng đô thị được phát triển gồm: vùng đô thị trung tâm, vùng thành phố phía Tây, vùng thành phố phía Bắc, vùng đô thị phía Nam và vùng đô thị Sơn Tây – Ba Vì.