Công bố quyết định công nhận hai Bảo vật quốc gia ở chùa Bà Tấm
Chùa Bà Tấm được xây dựng vào năm 1115, còn lưu giữ được những di vật quý, là Bảo vật quốc gia như đôi tượng sư tử đá thời Lý, khám thờ gỗ sơn son thếp vàng thời Mạc.
Ngày 22/3, tại di tích chùa Bà Tấm - đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm 959 năm ngày Nguyên phi Ỷ Lan đăng quang (1063-2022); công bố quyết định công nhận Bảo vật quốc gia Đôi tượng sư tử đá thời Lý và Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng thời Mạc.
Bảo vật quốc gia đôi tượng sư tử đá thời Lý ở Chùa Bà Tấm
Chùa Bà Tấm được xây dựng vào năm 1115, là một trong những cụm di tích nổi tiếng, nơi chứng kiến nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng của Thăng Long - Hà Nội và đất nước, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1996.
Những di vật nổi bật tại di tích chùa Bà Tấm như đôi tượng sư tử đá thời Lý, khám thờ gỗ sơn son thếp vàng thời Mạc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2020.
Chùa Bà Tấm gắn liền với tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyên phi Ỷ Lan - Lê Thị Yến, người con quê hương Thuận Thành, Bắc Ninh, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Bà là phi tần của vua Lý Thánh Tông, mẹ ruột của vua Lý Nhân Tông - vị vua uy vũ, văn trị ở ngôi lâu nhất trong lịch sử đất nước.
Với hai lần phụng mệnh đăng đàn nhiếp chính, Nguyên phi Ỷ Lan đã để lại những dấu ấn quan trọng trong hoàng triều nhà Lý, giúp đất nước hưng thịnh, nhân tâm hòa hợp.
Sau khi qua đời, bà được lập đền thờ tại chùa Bà Tấm - một trong những công trình tôn giáo nổi tiếng do chính bà lập nên, góp phần thúc đẩy Phật giáo phát triển.
Tại buổi lễ, các đại biểu cũng đã cắt băng khánh thành công trình hạ tầng kỹ thuật chùa Bà Tấm. Công trình được triển khai từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2021 với tổng mức đầu tư là gần 38 tỷ đồng, gồm các hạng mục cải tạo hạ tầng khuôn viên, tạo dựng cảnh quan ao sen, xây mới đường đi, bãi đỗ xe, hệ thống thoát nước, bố trí cây xanh, hệ thống chiếu sáng…
Thời gian tới, huyện Gia Lâm tiếp tục triển khai việc tu bổ, tôn tạo đền thờ trong khuôn viên di tích, với tổng kinh phí ước tính khoảng 12 tỷ đồng, nhằm xây dựng khu vực trở thành một trong những điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách trong, ngoài nước.