Công bố Quyết định của Thủ tướng về đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa
Ngày 14/3, UBND huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyêt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Theo đó, huyện Cam Lâm được quy hoạch cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại 1 vào năm 2045 với tổng số dân khoảng 770.000 người.
Trước đó, ngày 28/2, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định Phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm, tổng diện tích tự nhiên hơn 54.000ha, không bao gồm diện tích đầm Thủy Triều. Theo đó, đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng hơn 10.000ha, quy mô dân số Cam Lâm đến năm 2030 khoảng 320.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%. Đến năm 2045, đất xây dựng đô thị khoảng 17.600ha, dân số có khoảng 770.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 83%.
Quy hoạch cũng chia huyện Cam Lâm thành 4 vùng cảnh quan với ưu tiên chính tại mỗi vùng. Cụ thể, vùng đồi núi phía bắc sẽ ưu tiên bảo vệ rừng, tôn tạo cảnh quan tự nhiên núi Cù Hin, phát triển các khu du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí sinh thái. Vùng đồi núi phía tây sẽ ưu tiên bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, phát triển nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái. Vùng ven biển phía đông từ đầm Thủy Triều đến bờ biển Bãi Dài, ưu tiên bảo vệ hành lang bờ biển, phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí biển, đảo. Vùng đồng bằng trung tâm sẽ tôn tạo cảnh quan đầm Thủy Triều, phát triển định cư đô thị, nông thôn...
Hiện nay, huyện Cam Lâm mới chỉ có quy mô dân số khoảng 130.000 nhân khẩu. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông như trồng trọt, chăn nuôi và một số lao động trong dịch vụ- du lịch. Cam Lâm có nhiều lợi thế để phát triển vì địa hình rộng, bằng phẳng, có đường bờ biển dài và đầm Thủy Triều rộng lớn. Người dân địa phương mong muốn chính quyền chọn được nhà đầu tư có năng lực, sớm hiện thực hóa quy hoạch.
Ông Phạm Hồng Sơn, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm bày tỏ: "Từ nay đến năm 2045, còn hơn 20 năm nữa, như vậy là dài. Bà con muốn đưa vào xúc tiến làm sao nhanh nhất. Chúng tôi đã được tham quan ở trong vùng xây dựng đô thị mới, 5-7 năm sau trở thành diện mạo mới của khu vực. Chủ yếu vùng này là trồng xoài, nuôi trồng thủy sản, thay đổi cơ cấu phải có cả quá trình".
Việc quy hoạch được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển Cam Lâm trở thành cực tăng trưởng phía Nam tỉnh Khánh Hòa và vùng Nam Trung Bộ; góp phần sớm đưa Khánh Hòa lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Với quy hoạch này, Cam Lâm sẽ phát triển đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế; trọng điểm dịch vụ du lịch biển, logistics; dịch vụ tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu. Quá trình thực hiện quy hoạch, việc bố trí tái định cư phải minh bạch, công khai đáp ứng đầy đủ đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Ông Huỳnh Uy Viễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Khu vực và kênh đầm Thủy Triều nghiên cứu các giải pháp cụ thể giữ nước cho mạng lưới sông, suối nhân tạo. Hạn chế không sử dụng giải pháp bơm nước từ đầm lên để tránh xâm nhập mặn vào sông suối huyện Cam Lâm. Xây dựng kênh Thủy Triều và bến du thuyền quốc tế, phải ứng dụng công nghệ phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về hệ sinh thái tự nhiên đầm Thủy Triều và các dải cát ven biển Bãi Dài".
Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm được duyệt mở ra cơ hội, động lực cho tỉnh Khánh Hòa nói chung và huyện Cam Lâm nói riêng phát triển nhanh, bền vững về kinh tế, dịch vụ và đô thị. Để sớm hiện thực hóa quy hoạch, đồng thời tận dụng tối đa thời gian, cơ chế đột phá, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, UBND huyện Cam Lâm cùng với các sở, ban, ngành khẩn trương lập các đồ án quy hoạch phân khu; tổ chức lấy ý kiến, trình thẩm định và phê duyệt theo đúng quy định, đạt chất lượng, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và tạo sự đồng thuận cao của nhân dân.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành chính sách đào tạo nghề cho người dân bị ảnh hưởng các dự án, các ngành, đoàn thể vận động con, em tham gia học nghề, để thu nhập của người dân được nâng lên khi phát triển đô thị.
"Phải triển khai xây dựng các Khu đô thị tái định cư, khác với trước đây là chúng ta vào ở các dạng nhà ở xã hội, khu tái định cư đơn thuần. Vì định hướng Cam Lâm chúng ta xây dựng đô thị mới hiện đại. Chúng ta tổ chức thật tốt công tác tái định cư. Đào tạo, giới thiệu việc làm mới cho lực lượng lao động", ông Tuân nói.