Công bố quyết định thành lập phân hiệu Trường đại học Đông Á tại Đắk Lắk
Ngày 27/11, tại TP Buôn Ma Thuột, Trường đại học Đông Á tổ chức công bố quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập phân hiệu Trường đại học Đông Á tại tỉnh Đắk Lắk.
Tại buổi lễ PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao quyết định thành lập phân hiệu Trường đại học Đông Á tại tỉnh Đắk Lắk.
TS Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng Trường đại học Đông Á - cho biết, phân hiệu Trường đại học Đông Á tại Đắk Lắk có diện tích mặt bằng 10ha, gồm 3 khu nhà với 115 phòng học lý thuyết, 27 phòng thực hành chuyên môn, thư viện, hội trường lớn, khu thể thao đa năng cùng đầy đủ các phòng chức năng. Phân hiệu, có tổng số 90 cán bộ quản lý và giảng viên, trong đó, có 35 Tiến sĩ, 36 Thạc sĩ.
Giai đoạn 2022-2030, phân hiệu sẽ gồm 6 ngành đào tạo quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, quản trị lữ hành, công nghệ thực phẩm, điều dưỡng, công nghệ thông tin - các ngành học phù hợp với xu hướng phát triển lâu dài tại vùng Tây Nguyên, là thế mạnh trong quy mô 36 ngành thuộc 9 nhóm ngành của Trường đại học Đông Á.
TS. Nguyễn Thị Anh Đào cho hay, đến nay đã có hơn 500 sinh viên đại học Đông Á làm việc, học tập tại Nhật, sắp tới là Úc, Đức, Đài Loan và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Các sinh viên được các đối tác đánh giá cao và tiếp nhận làm việc sau khi tốt nghiệp, đó cũng chính là nguồn nhân lực chất lượng cao cho cộng đồng doanh nghiệp và trong tương lai, trong đó có vùng đất Tây Nguyên.
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho rằng, Trường đại học Đông Á nỗ lực phát triển sự nghiệp giáo dục và định hướng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, thiết thực phục vụ quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, Trường đại học Đông Á mở thêm phân hiệu tại Đắk Lắk là một sự kiện đáng vui mừng.
"Bộ giá cao sự năng động trong tư duy chiến lược về cải tiến chất lượng đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên bằng các sản phẩm ứng dụng và tính khởi nghiệp cao.
Đặc biệt ấn tượng với chiến lược xây dựng “định vị” chất lượng sinh viên nhà trường bằng những hợp tác chiến lược với các đối tác nước ngoài có uy tín, nhằm trang bị cho sinh viên có ưu thế về kỹ năng, chuyên môn, thái độ chuyên nghiệp và ngoại ngữ tốt đang làm việc tại Nhật, tại Đức,… Đây là một hướng đi mang tính khác biệt, một kinh nghiệm cần được khuyến khích, nghiên cứu và nhân rộng./.