Công bố số liệu chính thức đầu tiên về người khuyết tật và nạn nhân bom mìn tại Quảng Bình và Bình Định
Tính đến tháng 9-2019, gần 75.000 người khuyết tật đăng ký trên phần mềm quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn tại tỉnh Quảng Bình và Bình Định, trong số đó hơn 12% là nạn nhân bom mìn.
Con số này được tổng hợp từ dữ liệu chính thức đầu tiên về người khuyết tật và nạn nhân bom mìn của hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định. Dữ liệu được công bố chính thức bởi Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) trong Hội thảo Công bố số liệu chính thức đầu tiên về người khuyết tật và nạn nhân bom mìn tại Quảng Bình và Bình Định, tổ chức tại Hà Nội, sáng 7-1. Dự án do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ và được thực hiện bởi Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam.
Nhờ sự phối hợp giữa các đơn vị, phần mềm đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn đã được triển khai trên toàn bộ 318 xã thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định từ tháng 5-2019. Theo báo cáo số liệu này, trong tổng số người khuyết tật đăng ký trên phần mềm, 46% là người khuyết tật có độ tuổi từ 15 đến 59, 36% có độ tuổi từ 60 đến 79. Trung bình, cứ 10 người khuyết tật có 8 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Trong số 9.100 nạn nhân bom mìn, đa số đăng ký là nạn nhân từ các cuộc chiến tranh với độ tuổi từ 60 đến 79 tuổi. Số lượng nạn nhân nam gấp đôi số lượng nạn nhân nữ.
Hầu hết người khuyết tật và nạn nhân bom mìn đều có nhu cầu được hỗ trợ để có cuộc sống tốt hơn cả về mặt kinh tế và xã hội. Những dịch vụ hỗ trợ bao gồm: Phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng, tư vấn và hỗ trợ tâm lý, vật lý trị liệu, kết nối tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề và tiếp cận trợ cấp xã hội và các chế độ chính sách khác.
Phát biểu tại hội thảo, bà Sitara Syed, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, việc xây dựng và triển khai các can thiệp dựa trên bằng chứng nhằm hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân bom mìn và những nhóm yếu thế khác nhằm đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”. Phần mềm đăng ký, quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn sẽ được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc và cập nhật thường xuyên; các tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và nhà lập pháp sẽ tiếp cận những số liệu này một cách dễ dàng để xây dựng các chương trình, chính sách và pháp luật dựa trên bằng chứng hỗ trợ người khuyết tật và nạn nhân bom mìn một cách hiệu quả.