Công bố sổ tay 'Thẩm phán hướng dẫn xét xử vụ án hình sự về các tội liên quan tới bạo lực với phụ nữ và trẻ em'
Sổ tay 'Thẩm phán hướng dẫn xét xử vụ án hình sự về các tội liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em' ra mắt góp phần nâng cao công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong ngành Tòa án nói riêng và các ban ngành khác liên quan.
Ngày 24/11, tại Hà Nội, Cơ quan phòng chống tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức Lễ công bố "Sổ tay Thẩm phán hướng dẫn xét xử vụ án hình sự về các tội liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em".
Bạo lực đối với phụ nữ là vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng mức độ ảnh hưởng và hậu quả của nó vẫn thường bị đánh giá thấp. Nguyên nhân gốc rễ của bạo lực đối với phụ nữ là do mối quan hệ bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, trong đó nam giới đã sử dụng quyền lực và kiểm soát đối với phụ nữ. Bạo lực có ảnh hưởng nghiêm trọng về thể chất, tình cảm, tài chính và xã hội đối với các nạn nhân, các gia đình và cộng đồng.
Công tác bình đẳng giới ở nước ta trong những năm qua đã được quan tâm. Nhiều chính sách pháp luật quan trọng nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của phụ nữ đã được đưa ra. Trong đó tòa án đóng góp một phần quan trọng trong ứng phó của hệ thống tư pháp hình sự với bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái… Tòa án cũng có trách nhiệm đảm bảo rằng quyền được bào chữa của bị can, bị cáo không làm ảnh hưởng tới quyền được bảo vệ với phẩm giá và sự tôn trọng nạn nhân.
Với thẩm quyền tố tụng của mình, các Thẩm phán có khả năng đảm bảo rằng nạn nhân không bị trở thành nạn nhân một lần nữa hoặc trở thành nạn nhân gián tiếp của hệ thống tư pháp. Thẩm phán cũng là những người coi trọng nạn nhân và nhận thức được những thách thức, khó khăn của việc trải qua quá trình tố tụng thậm chí cả sự hủy hoại về danh tiếng, uy tín của nạn nhân khi những tổn thương mang tính riêng tư nhất, những đặc điểm và hành vi của họ được đem ra bàn tán công khai. Tuy vậy, mỗi Thẩm phán khi xét xử đều có những quan điểm cố hữu và những thang giá trị riêng, vì vậy họ có bổn phận đảm bảo rằng những suy nghĩ có thể là định kiến hoặc khuôn mẫu giới đó không ảnh hưởng đến quá trình tố tụng và tính đáng tin cậy của các nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới.
Thẩm phán là chủ tọa phiên tòa nên có thể kiểm soát diễn biến phiên tòa, giải quyết các định kiến dẫn đến đổ lỗi cho nạn nhân, không tin tưởng hoặc thiếu niềm tin vào câu chuyện của nạn nhân và cuối cùng là phán xét nạn nhân. Là người phán xử, Thẩm phán có quyền và trách nhiệm bảo vệ những phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực, trừng trị thủ phạm/người gây bạo lực và đưa ra một thông điệp với công chúng rằng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là không thể được dung tha.
Đại diện nhóm biên soạn, TS Lương Ngọc Trâm – Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết: "Cuốn sổ tay này đặc biệt chú trọng đến phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực. Sổ tay này đã được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung từ Sổ tay Tư pháp về xử lý tư pháp hình sự có hiệu quả bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái của UNODC. Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ Tòa án, vượt qua các phân biệt đối xử mang tính cấu trúc và thúc đẩy bình đẳng giới; nâng cao chuẩn mực và ứng xử của Thẩm phán và nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án hình sự cố liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái; chia sẻ những thông lệ tốt của các Tòa án trên thế giới nhằm đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái với tư cách là bị hại nhận được sự bảo vệ và hỗ trợ đầy đủ trong suốt quá trình tư pháp, tố tụng hình sự".
Sổ tay gồm 3 phần: Tìm hiểu về bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái; cơ sở pháp lý về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, chuẩn mực quốc tế trong các văn kiện mà Việt Nam đã được phê chuẩn hoặc gia nhập; thẩm quyền tố tụng và trách nhiệm của Thẩm phán trong việc bảo vệ nạn nhân bị bạo lực, những thách thức mà thẩm phán gặp phải khi giải quyết các vụ án liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới.
Cuốn sổ tay được biên soạn trong khuôn khổ chương trình hợp tác của Cơ quan Phòng, chống Ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương, Tiểu chương trình 4 về Tư pháp hình sự và Chương trình Gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tại Việt Nam do Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, Quỹ Dân số thế giới (UNFPA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNODA đồng thực hiện.
Các hoạt động nhằm đóng góp vào Chương trình nghị sự 2030 Vì sự phát triển bền vững của Liên hợp Quốc, đặc biệt là mục tiêu "Loại bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối với tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực công và tư, bao gồm cả buôn bán tình dục và các loại hình khác".