Công bố thành phố Dĩ An là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương
Ngày 27/4, tại Khu trung tâm hành chính thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Dĩ An là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
Thành phố Dĩ An có diện tích tự nhiên 600ha với 7 phường, dân số hiện tại cán mốc trên 500 ngàn người. Dĩ An nằm ở khu vực trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh với thành phố Thuận An, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh). Dĩ An có vị trí thuận lợi tại giao điểm các trục hành lang kinh tế quan trọng như: Hành lang kinh tế động lực Bắc – Nam (gắn với Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam); hành lang kinh tế động lực Đông Tây kết nối cửa khẩu quốc tế Mộc Bài Quốc lộ 22; đường vành đai qua Thành phố Hồ Chí Minh đến nhóm cảng hàng hóa đường thủy Hồ Chí Minh.
Ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương nói chung và thành phố Dĩ An nói riêng và đề nghị của Bộ Xây dựng, ngày 27/3/2023 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 296/QĐ-TTg công nhận thành phố Dĩ An là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương.
Đại diện Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đã gửi lời chúc mừng tới quân, dân và chính quyền thành phố Dĩ An và khẳng định: Với những kết quả đạt được, thành phố Dĩ An đã được Hội đồng thẩm định Đề án công nhận đô thị loại II, đánh giá đạt 5/5 tiêu chí, tổng số điểm đạt 91,22/100 điểm. Đây sẽ là động lực để thành phố Dĩ An đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025, xứng đáng là đô thị vệ tinh của tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: “Giai đoạn phát triển sắp tới còn nhiều khó khăn, thách thức; phát huy truyền thống tự hào với những thành tựu quan trọng đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương và thành phố Dĩ An cần tiếp tục quán triệt thực hiện tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Dĩ An cần đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh".
Xem xét rà soát đánh giá phát triển Dĩ An theo chiều sâu, xem xét các thách thức, thời cơ và cơ hội phát triển thành phố trong bối cảnh phát triển của tỉnh Bình Dương, vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ; triển khai xây dựng, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và không gian đô thị đồng bộ. Ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm trên các lĩnh vực cảnh quan đô thị, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nâng cấp bổ sung các công trình công cộng đồ thị, xử lý môi trường rác thải, nước thải... thực hiện tốt công tác quản lý xây dựng theo quy định quản lý theo quy hoạch và quy chế quản lý kiến trúc đô thị trên địa bàn hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại.
Tại buổi lễ, ông Võ Văn Hồng - Chủ tịch UBND thành phố Dĩ An chia sẻ: Kể từ khi được công nhận là đô thị loại III và được công nhận thành phố, Dĩ An không ngừng phát triển mạnh mẽ với nhiều dự án đầu tư, nhiều khu đô thị hình thành đã và đang làm thay đổi diện mạo đô thị thành phố theo hướng văn minh - hiện đại. Chặng đường xây dựng đô thị loại II của Dĩ An là quyết tâm của cả hệ thống chính trị trên nền tảng phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Dĩ An anh hùng, tiếp nối chặng đường bảo vệ, xây dựng và phát triển địa phương ngày càng giàu đẹp của thế hệ cha anh đi trước.
Tại Dĩ An, công nghiệp là ngành đóng góp phần lớn vào ngân sách hàng năm. Chỉ tính trong năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp thành phố đạt 136 nghìn tỷ đồng, trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng gần 52%, khu vực ngoài quốc doanh chiếm hơn 48,3%, khu vực quốc doanh chiếm 0,17%.
Tăng trưởng kinh tế ổn định trên các lĩnh vực đã đảm bảo nguồn thu – chi ngân sách của thành phố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đô thị trên địa bàn. Năm 2022, Dĩ An thu hơn 3.700 tỷ đồng, đạt 100% dự toán UBND tỉnh giao. Mức thu nhập của người dân được cải thiện, bình quân thu nhập đầu người năm 2021 so với bình quân cả nước đạt 1,66 lần và cao nhất tỉnh Bình Dương.
Cùng với quy hoạch kiến trúc cảnh quan đô thị, thành phố tập trung cải tạo – xây dựng các trục giao thông chính, các công trình dịch vụ, nhà ở công nhân – nhà ở xã hội, chung cư cao tầng, đầu tư - nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị: thoát nước - điện chiếu sáng - cây xanh - xử lý ngập úng... Hiện nay, hạ tầng đô thị của thành phố ngày càng hiện đại, 100% các tuyến đường do thành phố quản lý được nhựa hóa, có hệ thống thoát nước - cây xanh - chiếu sáng - vỉa hè; các tuyến đường phường quản lý cũng đạt trên 80% bê tông, nhựa hóa, trong đó 60% tuyến đã có hệ thống chiếu sáng. Đến năm 2021, toàn thành phố Dĩ An có 146.000 căn nhà với tổng diện tích gần 12.400m2. Trong đó, tổng số nhà ở kiên cố chiếm tỷ lệ 99,93%, bình quân diện tích nhà ở 31,5m2 sàn/người.
Song song với phát triển hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội của thành phố cũng được chú trọng đầu tư. Trên địa bàn thành phố có 19 cơ sở y tế công lập và tư nhân với tổng số 626 giường đã đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của cư dân đô thị thành phố và góp phần giảm sức ép cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc công nhận thành phố Dĩ An là đô thị loại II trực thuộc tỉnh sẽ tạo động lực mới cho thành phố Dĩ An phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò là một trong các đầu tàu kinh tế của tỉnh, là điểm sáng thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh.