Công bố thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Kinhtedothi – Bộ thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh gồm 22 thủ tục trên nhiều lĩnh vực.
Chiều 4/10, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân và Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Khanh cùng chủ trì buổi họp báo công bố thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).
Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng Sở Xây dựng cho biết, việc ứng dụng DVCTT là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường uy tín, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), hiện thực hóa Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số trong tương lai, góp phần từng bước giúp cơ quan Nhà nước giảm thiểu được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện và khoa học hơn; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính (TTHC); phục vụ thiết thực, hiệu quả cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của TP. Đồng thời, việc thực hiện DVCTT tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục cần thiết mà không cần đến trực tiếp cơ quan Nhà nước, có thể thực hiện, giao dịch 24/24 giờ trong ngày với các cơ quan hành chính Nhà nước tại nhà hoặc tại bất cứ đâu. Chỉ cần có thiết bị kết nối internet, với thủ tục đăng ký đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện; không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thiên tai, dịch bệnh…; tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch, đơn giản thủ tục giấy tờ; theo dõi được tình trạng hồ sơ trên trang web trực tuyến, tin nhắn điện thoại, địa chỉ email; đảm bảo công khai, minh bạch hồ sơ, thủ tục.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hải, trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở Xây dựng đã tiếp nhận 13.276 hồ sơ, đã giải quyết 12.467 hồ sơ, đang giải quyết trong hạn 809 hồ sơ. Hiện nay, Sở Xây dựng đang cung cấp DVCTT đối với 22 TTHC, bao gồm 17 TTHC trực tuyến toàn trình và 5 TTHC trực tuyến một phần trên hệ thống giải quyết TTHC của TP (https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/vi/).
Theo đó, 17 thủ tục đủ điều kiện DVCTT toàn trình, gồm 3 lĩnh vực: vật liệu xây dựng (1 thủ tục); hoạt động xây dựng (14 thủ tục); thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (2 thủ tục).
Đối với 5 thủ tục DVCTT một phần, gồm 4 lĩnh vực: hạ tầng kỹ thuật (cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị); kinh doanh bất động sản (cấp mới chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản); thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng trong trường hợp cấp lần đầu hoặc giấy chứng nhận hết hạn mà tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng có nhu cầu tiếp tục hoạt động; bổ sung, sửa đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng trong trường hợp tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng thay đổi địa điểm đặt phòng thí nghiệm hoặc thay đổi, bổ sung, sửa đổi chỉ tiêu thí nghiệm, tiêu chuẩn thí nghiệm trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng); nhà ở và công sở (thuê nhà ở công vụ thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh).
Về lý do vì sao đến nay mới công bố bộ TTHC, ông Nguyễn Thanh Hải nói: “Muốn công bố phải hiểu khái niệm dịch vụ công toàn trình và dịch vụ công một phần. Về toàn trình phải đáp ứng được 7 - 8 tiêu chí (TTHC phải công khai; cá nhân và tổ chức phải tải được văn bản, mẫu; có tài khoản trên Cổng DVC Quốc gia; điền vào các tờ khai; phải có chữ ký số và chứng thực số; hồ sơ gửi theo môi trường điện tử (ngồi tại nhà hoặc cơ quan đều gửi); thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia; trả hồ sơ trực tuyến hoặc qua bưu điện). Trong 13.276 hồ sơ là hồ sơ nộp trực tuyến, nhưng chủ yếu làm ở một phần (vì chưa đáp ứng được các tiêu chí), tỷ lệ toàn trình chưa có nên hôm nay Sở Xây dựng mới công bố nhằm để người dân biết sẽ tiện lợi khi nộp hồ sơ (trước kia người dân và doanh nghiệp hưởng ứng chưa cao)”.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thành Băng - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở Tư pháp cũng thông tin về việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử (BSĐT) từ bản chính. Theo ông Băng, trước tiên phải hiểu bản chính là những giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu, cấp lại, cấp khi đăng ký lại; những giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Bản sao là bản chụp từ bản chính (thực tế là bản photo).
Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính. Chứng thực BSĐT từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính (khoản 9 điều 3 Nghị định 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử).
BSĐT được chứng thực từ bản chính dạng văn bản giấy theo quy định tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cũng theo ông Băng, để triển khai thực hiện chứng thực BSĐT từ bản chính trên Cổng DVC Quốc gia theo quy định tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP, Sở Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng UBND TP triển khai cho các Phòng Tư pháp quận, huyện, TP Thủ Đức; UBND các xã, phường, thị trấn đăng ký tài khoản của cơ quan Nhà nước trên Cổng DVC Quốc gia; chủ động trang bị máy scan để tạo bản sao điện tử; trang bị hạ tầng mạng, đăng ký chữ ký, con dấu của cơ quan, địa phương mình trên Cổng DVC Quốc gia.
“Hiện nay, một số địa phương trên địa bàn TP đã triển khai thực hiện chứng thực BSĐT từ bản chính, như: TP Thủ Đức, quận Phú Nhuận, Tân Bình…, các quận, huyện còn lại đang tiếp tục triển khai việc đăng ký tài khoản để thực hiện việc chứng thực BSĐT từ bản chính theo quy định của Nghị định 45”, ông Nguyễn Thành Băng nói.
Về cách thức đăng ký dịch vụ chứng thực BSĐT từ bản chính của cá nhân, tổ chức. Ông Nguyễn Thành Băng cho biết, điều kiện để đăng ký là cá nhân, tổ chức phải có tài khoản trên Cổng DVC Quốc gia hoặc phải có email. Cá nhân, tổ chức đăng ký chứng thực BSĐT từ bản chính bằng 2 hình thức: Đặt lịch hẹn với cơ quan thực hiện chứng thực trên Cổng DVC Quốc gia hoặc đến trực tiếp cơ quan thực hiện chứng thực (không hẹn trước).
Trường hợp cá nhân, tổ chức đặt lịch hẹn với cơ quan thực hiện chứng thực trên Cổng DVC Quốc gia, thì đăng nhập vào Cổng DVC Quốc gia, chọn cơ quan có thẩm quyền chứng thực và đặt lịch hẹn. Đến ngày hẹn, đem theo bản chính giấy tờ cần chứng thực BSĐT đến cơ quan thực hiện chứng thực đã chọn. Cá nhân, tổ chức cung cấp bản chính giấy tờ cần chứng thực để người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính và tạo BSĐT trên Cổng DVC Quốc gia; nộp phí chứng thực theo quy định; nhận kết quả là bản sao định dạng điện tử từ bản chính văn bản giấy tại tài khoản của cá nhân, tổ chức trên Cổng DVC Quốc gia (không nhận bản sao bằng văn bản giấy).
Trường hợp đến trực tiếp cơ quan thực hiện chứng thực (không đặt lịch hẹn trước), nếu có tài khoản trên Cổng DVC Quốc gia thì mang theo bản chính giấy tờ cần chứng thực BSĐT đến cơ quan thực hiện chứng thực; cung cấp tài khoản của mình trên Cổng DVC Quốc gia (cung cấp số căn cước công dân hoặc mã số thuế của tổ chức cho người thực hiện chứng thực); cung cấp bản chính giấy tờ cần chứng thực để người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính và tạo BSĐT trên Cổng DVC Quốc gia; nộp phí chứng thực theo quy định; nhận kết quả là bản sao định dạng điện tử từ bản chính văn bản giấy tại tài khoản của cá nhân, tổ chức trên Cổng DVC Quốc gia (không nhận bản sao bằng văn bản giấy).
Trường hợp cá nhân, tổ chức không có tài khoản trên Cổng DVC Quốc gia, thì mang theo bản chính giấy tờ cần chứng thực BSĐT đến cơ quan thực hiện chứng thực; cung cấp địa chỉ email của cá nhân, tổ chức mình; cung cấp bản chính giấy tờ cần chứng thực để người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính và tạo BSĐT trên Cổng DVC Quốc gia; nộp phí chứng thực theo quy định; nhận kết quả là bản sao định dạng điện tử từ bản chính văn bản giấy tại email của cá nhân, tổ chức mình (không nhận bản sao bằng văn bản giấy).
Kết thúc buổi công bố, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân đã đề nghị cơ quan báo chí hướng dẫn người dân các thao tác thực hiện trên hệ thống; Sở cũng công bố số điện thoại đường dây nóng cho người dân. Mục tiêu của chúng ta là làm thế nào để người dân, tổ chức, doanh nghiệp giảm thiểu thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, đảm bảo thời gian thực hiện các TTHC. Còn để thực hiện được DVCTT toàn trình thì cần phải có chữ ký số, chứng thực điện tử. Trong quá trình thực hiện 22 thủ tục, Sở Xây dựng rất mong nhận được ý kiến đóng góp để hoàn thiện hơn.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cong-bo-thu-tuc-hanh-chinh-cung-cap-dich-vu-cong-truc-tuyen.html