Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1157/QĐ-UBND ngày 9/9/2024 công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai (do ảnh hưởng bão số 3 và mưa lũ sau bão) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh với các nội dung: mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh có mưa dông diện rộng, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to, kéo dài từ ngày 7 - 9/9/2024, xuất hiện lũ trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh gây ngập lụt khu vực ven sông vùng trũng thấp. Đặc biệt, mưa rất to gây lũ lớn trên các sông, suối của tỉnh, nước sông dâng cao trên báo động 3 gây ngập lụt các khu vực dân cư tại Thành phố và các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Hòa An. Sạt lở đất, đá xảy ra toàn bộ khu vực các huyện, Thành phố trên địa bàn tỉnh, đặc biệt xảy ra sạt lở đất tại xã Yên Lạc, Ca Thành (Nguyên Bình) gây thiệt hại về người, nhà ở và các công trình hạ tầng cơ sở.

Do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 7 - 9/9/2024 nước sông trên địa bàn Thành phố dâng cao làm ngập nhiều nhà ở của người dân.

Do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 7 - 9/9/2024 nước sông trên địa bàn Thành phố dâng cao làm ngập nhiều nhà ở của người dân.

Thiệt hại do lũ, ngập lụt, sạt lở đất, đến 12h00 ngày 9/9/2024 có 1 người chết, 3 người bị thương, khoảng 20 người mất tích; 1.219 nhà bị thiệt hại, trong đó 26 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 1.193 nhà bị hư hỏng do sạt lở đất, ngập nước, tốc mái; 13 cơ sở giáo dục, 3 cơ sở y tế, 3 nhà văn hóa xóm; hơn 1.555 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, gãy đổ, vùi lấp; 1,9 ha diện tích nuôi cá, 13 ao nuôi cá truyền thống, 2,4 tấn cá thương phẩm bị trôi, tràn bờ; 2 lồng nuôi cá bị trôi, hư hỏng; các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và nhiều tuyến giao thông bị sạt lở đất, đá taluy dương, taluy âm khối lượng lớn, mặt đường bị sụt lún gây tắc đường; 9 công trình thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở; 18 cột điện bị đổ, gãy; 1 trạm biến áp bị hư hỏng, 2 tuyến cáp quang bị đứt. Phạm vi ảnh hưởng gồm 10 huyện, Thành phố của tỉnh.

Các biện pháp thực hiện xử lý khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả như: Tập trung khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích; cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng. Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, rét, không có nơi ở.

Tổ chức rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực thường xảy ra lũ quét, khu vực bị ngập nước ven sông, suối, vùng trũng thấp, khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để xây dựng kịch bản phương án chủ động sơ tán, di dời người, tài sản trong tình huống xảy ra thiên tai, tuyệt đối bảo đảm an toàn tính mạng về người.

Để tổ chức thực hiện, UBND huyện Nguyên Bình khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích; cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng tại các điểm xảy ra sạt lở đất tại xã Ca Thành, Yên Lạc; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở.

UBND các huyện, Thành phố tiếp tục tổ chức rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực thường xảy ra lũ quét, khu vực bị ngập nước ven sông, suối, vùng trũng thấp, khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để xây dựng kịch bản phương án chủ động sơ tán, di dời người, tài sản trong tình huống xảy ra thiên tai, tuyệt đối bảo đảm an toàn tính mạng về người. Kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình hạ tầng cơ sở của Nhà nước, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh; chủ động bố trí ngân sách địa phương (bao gồm dự phòng ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác) để triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh theo quy định.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống thiên tai. Phối hợp với các sở, ngành: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông - Vận tải, Xây dựng... chỉ đạo các chủ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi, các tuyến đường kiểm tra, xử lý các khu vực trọng điểm xung yếu; thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương và người dân trước khi xả lũ để đảm bảo an toàn cho các công trình, khu dân cư hạ du. Huy động mọi nguồn lực để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện tiếp cận bằng được khu vực xảy ra thiên tai bị chia cắt để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng cứu trợ... cho người dân; chủ động phối hợp, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.

Các sở, ban, ngành theo trách nhiệm quản lý và chức năng được giao chủ động phối hợp, chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, đánh giá thiệt hại, nguy cơ sạt lở đối với trụ sở cơ quan, công trình thuộc quyền quản lý, thực hiện biện pháp phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn.

Cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiêm cứu nạn tỉnh đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/cong-bo-tinh-huong-khan-cap-ve-thien-tai-tren-dia-ban-tinh-3172062.html