Công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu có ý nghĩa thế nào?
Trước những lo lắng, băn khoăn của người dân về công bố của Tổ chức Y tế Thế giới WHO về tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu dịch bệnh nCoV từ Vũ Hán, Trung Quốc, chiều 31/1, Bộ Y tế đã cung cấp các thông tin liên quan.
Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp Việt Nam cho biết, tính tới thời điểm hiện tại đã có 9.833 ca bệnh, trong đó tại Trung Quốc có 9.699 ca mắc, tử vong 213 trường hợp. Bệnh đã ghi nhận tại 22 quốc gia trên thế giới. Việt Nam ghi nhận 5 trường hợp. Tổ chức WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Theo đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam, đây là một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp, gây quan ngại quốc tế. Quyết định công bố này được dựa trên yếu tố gồm: Nguy cơ lây lan dịch bệnh ra quốc tế và khả năng đáp ứng phòng chống dịch... Việc công bố này nhằm mục đích kêu gọi sự phối hợp toàn cầu để cùng nhau đáp ứng với dịch bệnh và đây là thời điểm kêu gọi các quốc gia phải chung tay phối hợp phòng chống dịch bệnh.
“Chúng tôi hiểu sự băn khoăn, thậm chí là nỗi sợ hãi của công chúng về việc công bố sự kiện y tế công cộng khẩn cấp, gây quan ngại toàn cầu. Tuy nhiên, việc công bố này không có nghĩa là nâng nguy cơ của dịch bệnh này lên, mà chúng ta phải nhìn vào thực tế, phần lớn các ca bệnh hiện nay vẫn chỉ ghi nhận ở Trung Quốc. Tất nhiên, đã có sự lây lan xâm nhập ra 22 nước. Chúng tôi chỉ quan ngại việc tiếp tục lây lan virus này, đặc biệt là quốc gia mà các biện pháp phòng chống dịch bệnh chưa đủ mạnh”, bà Satoko Otsu, Trưởng nhóm kiểm soát bệnh truyền nhiễm và tình huống y tế khẩn cấp, tổ chức WHO tại Việt Nam cho biết.
Đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam cũng cho biết, nếu quốc gia nào có công tác chuẩn bị ứng phó tốt thì cứ tiếp tục thực hiện. Riêng tại Việt Nam, tổ chức WHO đánh giá cao nỗ lực ngành y tế và Chính phủ Việt Nam trong việc giám sát, điều trị cho bệnh nhân cho tới thời điểm hiện tại. Tổ chức này cũng thấy rõ sự cam kết cao nhất và sự vào cuộc ứng phó với dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam. “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào các biện pháp của Việt Nam và cam kết sẽ song hành cùng Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh”, bà Satoko Otsu nhấn mạnh.
Liên quan đến việc sử dụng và mua khẩu trang phòng chống dịch bệnh của người dân trong thời gian hiện nay, ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị y tế, Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước có khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất trong nước trang thiết bị này. Khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân là hoàn toàn thực hiện được. Tuy nhiên, do thời điểm hiện nay là vừa sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày nên các công ty chưa bắt đầu đi vào sản xuất. Vụ cũng đã liên hệ và đề nghị với các công ty nhanh chóng quay trở lại làm việc để sản xuất khẩu trang phục vụ người dân. Trước mắt, sẽ cung cấp khẩu trang cho các cơ sở y tế, sau đó cung cấp đáp ứng nhu cầu người dân trong phòng chống dịch bệnh hiện nay.
Với những đối tượng đầu cơ, tăng giá, Vụ đã phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát và sẽ xử phạt các đối tượng này.
Theo ông Trần Đắc Phu, chúng ta có thể dùng khẩu trang một lần bình thường khi đi ra ngoài hoặc đến nơi công cộng, thậm chí có thể sử dụng khẩu trang vải, sau đó giặt sạch sẽ. Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang, với khẩu trang N95 dùng khi vào những nơi có nguy cơ cao như bác sĩ phải tiếp xúc bệnh nhân...
Bà Trịnh Thị Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, đến nay, trên thế giới và Việt Nam chưa có sinh phẩm nào hoặc xét nghiệm có thể chẩn đoán virus Corona tại nhà.
Liên quan đến nguy cơ lây nhiễm bệnh thông qua việc thổi nồng độ cồn khi tham gia giao thông, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, người dân không nên quá lo lắng, vì theo quy định mỗi người sẽ dùng riêng 1 ống thổi nồng độ cồn và ngành công an cần làm đúng theo quy định đó, vì việc dùng ống thổi một lần phòng chống nhiều dịch bệnh lây nhiễm khác, chứ không phải chỉ phòng nCoV.