Công bố Top 10 doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng sạch Việt Nam

NĐDT - Mới đây, Hội đồng khoa học Tạp chí năng lượng Việt Nam đã công bố bảng xếp hạng VCE 10 - Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu năng lượng sạch Việt Nam năm 2019 (Leading clean energy enterprises in Vietnam 2019), dựa trên đánh giá độc lập từ Bộ Công thương, Hiệp hội năng lượng Việt Nam.

Tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam, ở huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận).

Tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam, ở huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận).

Theo kết quả công bố, Top 10 doanh nghiệp (DN) dẫn đầu năng lượng sạch (NLS) được các chuyên gia, nhà khoa học Hội đồng khoa học của Tạp chí năng lượng Việt Nam bình chọn Trungnam Group là nhà đầu tư số 1 trong Top 10 DN dẫn đầu lĩnh vực NLS tại Việt Nam.

Tiếp đến là Công ty CP Năng lượng Dầu Tiếng; Công ty CP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group); Tập đoàn TTC; Tập đoàn Bim Group; Tổng Công ty CP Thương mại và Xây dựng (Vietracimex); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Sunseap (Thái Lan); Công ty TNHH Xây dựng thương mại du lịch Công Lý; Tập đoàn Sao Mai.

Tổng công suất nguồn điện của Top 10 DN dẫn đầu NLS với danh mục 29 nhà máy điện mặt trời (ĐMT) và điện gió là hơn 2.300 MW. Trong đó, 2.164.52 MW ĐMT và 139,15 MW điện gió, chiếm 49% tổng công suất ĐMT, điện gió toàn quốc và chiếm 27,6% tổng nguồn NLTT (không kể thủy điện vừa và lớn).

Các tiêu chí đánh giá Bảng xếp hạng này được dựa trên những tiêu chuẩn như: quy mô đầu tư nguồn năng lượng tái tạo (NLTT); cập nhật xu thế NLS trên thế giới; công nghệ, thiết bị; các yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển NLTT; tốc độ đầu tư phát triển dự án NLS; trách nhiệm của DN đối với xã hội...

Theo các chuyên gia năng lượng, Trung Nam hiện là đơn vị được đánh giá luôn đi đầu trong các hoạt động đầu tư, xây dựng các dự án về điện tái tạo cả về quy mô và chất lượng. Có thể kể đến như tổ hợp trang trại NLTT ĐMT và điện gió Trung Nam, tại xã Bắc Phong và xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Đây được xem là tổ hợp NLTT đầu tiên của Việt Nam với công suất 204 MW ĐMT và 151.95 MW điện gió được hòa lưới trong năm 2019 và cũng là cột mốc đánh dấu bước tiếp cận mới cho chủ trương phát triển NLTT tại Ninh Thuận. Tổng sản lượng khai thác hằng năm về năng lượng điện gió-ĐMT Trung Nam đạt 1,2 tỷ kWh điện mỗi năm bao gồm tổ hợp trang trại (điện gió+ĐMT) + nhà máy ĐMT Trung Nam Trà Vinh.

Đại diện Trungnam Group cho rằng, trong thời gian tới để cùng chung tay chia sẻ với Tập đoàn Điện lực, Bộ Công thương và Chính phủ nhằm tháo gỡ việc thiếu hụt điện năng cũng như sự quá tải trầm trọng của hạ tầng lưới điện hiện nay, năm 2020, Công ty sẽ tham gia đầu tư mạnh hơn nữa vào lĩnh vực NLTT, trong đó đầu tư hạ tầng đáp ứng giải tỏa nguồn lực sản xuất điện năng, và sắp tới sẽ hòa lưới điện thêm 700 MW.

Việt Nam được đánh gia là quốc gia có tiềm năng lớn về NLTT. Ngoài các nhà máy thủy điện lớn và vừa đã được phát triển nhiều năm, hiện đã có tổng công suất phát điện hơn 19.000MW và có hơn 3.300MW công suất từ các nhà máy thủy điện nhỏ.

Tuy nhiên, đến nay tiềm năng thủy điện còn lại không nhiều (khoảng dưới 1.000 MW các thủy điện vừa và hơn 3.000 thủy điện nhỏ - dưới 30 MW). Song tiềm năng ĐMT và điện gió từ nhiều nguồn khảo sát, đánh giá là rất lớn. Ước tính tiềm năng kỹ thuật của ĐMT khoảng hơn 330MWp và điện gió từ 27.000-140.000 MW.

Với chủ trương thúc đẩy phát triển NLTT, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích các loại hình nguồn điện NLTT qua các cơ chế “chi phí tránh được”, cơ chế Feed-in-tariff, net mettering… cho các nguồn thủy điện, điện sinh khối, điện gió, ĐMT.

Nhờ đó, trong các năm gần đây nhiều nhà đầu tư nhà nước, cũng như tư nhân trong và ngoài nước đã xúc tiến xây dựng nhiều dự án, đưa tỷ lệ các nguồn điện NLTT được tăng lên nhanh chóng.

Đặc biệt, năm 2019 được xem là một năm bùng nổ của ngành NLTT mà chủ đạo là điện gió và ĐMT nhờ những chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam. Kết quả là sự ghi nhận những đóng góp của các DN hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt hướng đến năng lượng thân thiện với môi trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam.

Với sự phát triển lớn mạnh không ngừng của lĩnh vực NLTT cũng như các DN đầu tư NLS tại Việt Nam việc xếp hạng các dự án, DN cũng đã được giới chuyên gia và xã hội quan tâm. Việc có một bảng xếp hạng cũng như đánh giá năng lực của các DN là điều quan trọng và kịp thời vào thời điểm hiện nay.

Tính đến tháng 6-2019, cả nước đã có 98 dự án NLTT với tổng công suất 4.880MW được đưa vào vận hành, chiếm gần chiếm 9% tổng công suất nguồn điện cả nước; trong đó, có 89 nhà máy ĐMT với tổng công suất gần 4.440MW.

BẢO THƯ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/42674802-cong-bo-top-10-doanh-nghiep-linh-vuc-nang-luong-sach-viet-nam.html