Công bố xây dựng trung tâm tài chính khu vực, quốc tế

Theo đó, Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện sẽ đặt tại TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực sẽ đặt tại TP. Đà Nẵng.

Sáng 4/1, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị - (Ảnh: Hoàng Triều).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị - (Ảnh: Hoàng Triều).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí.

Cùng các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi...

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Xây dựng trung tâm tài chính đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thành công sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam đạt được 5 cơ hội, bao gồm:

Kết nối với thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tạo một bước chuyển mới về chất, giúp thị trường tài chính ở Việt Nam trở nên lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nâng cao vai trò, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định vị thế là một nền kinh tế mạnh mẽ và bền vững; từ đó bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là trong lĩnh vực tài chính từ sớm, từ xa.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nêu 5 trọng tâm xây dựng nền tảng phát triển các trung tâm tài chính tại Việt Nam, bao gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, thúc đẩy xây dựng hệ thống thanh toán, lưu ký và giao dịch tài chính hàng đầu. Thu hút nhân tài quốc tế, tạo cơ chế đãi ngộ, môi trường sống và làm việc hấp dẫn để thu hút các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới. Thúc đẩy đổi mới tài chính, phát triển các công cụ tài chính mới như tài chính xanh, công nghệ tài chính (fintech), và quản lý rủi ro tài chính. Mở rộng hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức tài chính toàn cầu, tham gia các chuẩn mực tài chính quốc tế. Bảo vệ an ninh tài chính, tăng cường giám sát và quản lý rủi ro, đảm bảo ổn định hệ thống tài chính.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - (Ảnh: Hoàng Triều).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - (Ảnh: Hoàng Triều).

Để tiếp tục triển khai kết luận của Bộ Chính trị về phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm cần tập trung thực hiện ngay trong năm 2025. Đối với các bộ, ngành, Cơ quan Trung ương: Chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, tập trung hoàn thiện các nhóm chính sách tại Đề án đã được Bộ Chính trị phê duyệt, đảm bảo phù hợp với điều kiện sẵn có, thông lệ của các Trung tâm tài chính trên thế giới và các cam kết quốc tế của Việt Nam; chủ động đề xuất các chính sách cần thiết để đảm bảo sức cạnh tranh của các trung tâm tài chính tại Việt Nam; chủ động đồng hành cùng các địa phương trong quá trình phát triển và vận hành trung tâm tài chính.

Đối với TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cần tập trung bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển trung tâm tài chính, đặc biệt là nguồn lực về hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số), nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống.... Tập trung vận động, tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại trung tâm tài chính của các địa phương.

Đối với các đối tác quốc tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương trong việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng và vận hành trung tâm tài chính. Hỗ trợ đề xuất, kiến nghị các chính sách, định hướng cụ thể đối với các nhóm chính sách tại Đề án, góp phần giúp Chính phủ Việt Nam đảm bảo tính đột phá của trung tâm tài chính tại Việt Nam. Hỗ trợ huy động nguồn lực đầu tư và phát triển các trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Trung tâm tài chính sẽ là nơi hội tụ của tri thức, công nghệ và sự kết nối toàn cầu

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên bày tỏ, sự kiện này là niềm vui lớn, tiếp thêm nhiều năng lượng tích cực để góp phần quan trọng giúp TP. Hồ Chí Minh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Trung ương giao trước mắt và lâu dài.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên - (Ảnh: Việt Dũng).

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên - (Ảnh: Việt Dũng).

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược của Trung ương, sự cam kết mạnh mẽ và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, cùng với sự đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thành phố trong việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính minh bạch, hiệu quả và bền vững. Trung tâm Tài chính quốc tế không chỉ là nơi tập trung các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán hay đầu tư mà còn là nơi hội tụ của tri thức, công nghệ và sự kết nối toàn cầu.

“Đây sẽ là động lực mạnh mẽ, nơi thu hút nguồn vốn với chi phí cạnh tranh để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm tài chính công nghệ cao, cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp phát triển”, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

“TP. Hồ Chí Minh không chỉ cam kết xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế mà còn xây dựng niềm tin, tương lai và thịnh vượng”, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh khẳng định.

Theo Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đây chỉ mới là bước đầu, mọi việc phía trước còn rất nhiều thử thách. Đối với Việt Nam, đây là việc mới, khó và nhiều phức tạp. Vì thế, Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan phải xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong tổ chức thực hiện đề án quan trọng này. Đây không chỉ là việc riêng của TP. Hồ Chí Minh hay TP Đà Nẵng mà là trách nhiệm và thành quả của cả nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng - (Ảnh: Hữu Hạnh).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng - (Ảnh: Hữu Hạnh).

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, kinh nghiệm phát triển các trung tâm tài chính trên thế giới và khu vực cho thấy sự phát triển vốn cùng với sự phát triển thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng là một trong những cấu phần nền tảng và quan trọng. Tuy nhiên, phát triển thị trường vốn và thị trường tiền tệ tại các trung tâm tài chính mới nổi là nhiệm vụ khó, phức tạp do có sự cạnh tranh cao với các trung tâm tài chính đã phát triển. Do đó, Việt Nam phải nắm bắt kịp thời cơ và nhận diện những thách thức như sự cạnh tranh của các trung tâm tài chính khác.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay, quá trình nghiên cứu chuyên sâu các trung tâm tài chính cho thấy không có mô hình chung cho việc các cơ quan tài chính, mỗi quốc gia lựa chọn chính sách dựa vào điều kiện, đặc thù của từng đất nước. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã dành nguồn lực cho công tác nghiên cứu chuyên sâu về phát triển tiền tệ và ngân hàng trong trung tâm tài chính. Trong đó, xác định rõ chủ thể tham gia trung tâm tài chính, phạm vi giao dịch sản phẩm dịch vụ, xác định các cơ chế, chính sách để áp dụng phù hợp.

Về cơ chế giám sát đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết trung tâm tài chính sẽ thành lập các cơ quan quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp. Theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan phân tích, đánh giá tác động các chính sách ưu đãi đột phá, các cách thức quản lý, điều hành phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - (Ảnh: Hữu Hạnh).

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - (Ảnh: Hữu Hạnh).

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc để xây dựng và phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng và phát triển bộ máy quản lý, vận hành trung tâm tài chính cũng như kêu gọi đầu tư, chuẩn bị hạ tầng, chuẩn bị nguồn nhân lực…

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh, trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính và tài chính thương mại với mục tiêu là tạo ra sự khác biệt giữa dịch vụ tài chính truyền thống.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Diệu Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-bo-xay-dung-trung-tam-ta-i-chinh-khu-vuc-quoc-te-367881.html