Công bố xe tăng 377 là Bảo vật Quốc gia: Huyền thoại trận chiến sinh tử 1 chọi 10
Ở tượng đài chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum), dưới chân tượng đài có chiếc xe tăng T59 mang số hiệu 377, dáng hiên ngang như đang lao vào trận tuyến. 51 năm sau trận chiến sinh tử, xe tăng 377 được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Trận chiến sinh tử 1 chọi 10
Ngày 30/1/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41 về việc công nhận Bảo vật Quốc gia (Đợt 11), trong đó có xe tăng T59 mang số hiệu 377. Tối 27/4/2023, UBND huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận xe tăng T59 số hiệu 377 là Bảo vật Quốc gia và khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đăk Tô lần thứ IV năm 2023.
Tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND huyện Đăk Tô, ông Sa Phương cho biết, với tầm vóc và ý nghĩa to lớn, xe tăng T59 số hiệu 377 là độc bản, có giá trị ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc. Việc công nhận xe tăng T59 số hiệu 377 là Bảo vật quốc gia góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc; giúp nơi đây trở thành "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước hưng vượng, hùng cường cho các thế hệ mai sau.
Ngược dòng lịch sử, ngày 15/11/1971, Tiểu đoàn tăng 297 do Trung tá Bùi Quang Đấng chỉ huy, đang trú quân ở bờ bắc sông Bến Hải sau khi vừa tham gia chiến đấu ở Đường 9-Nam Lào trở về thì được lệnh tiến vào chiến trường Tây Nguyên. Sau hai tháng rưỡi hành quân, đầu năm 1972 đoàn tăng tới Ngã ba biên giới Đông Dương. Đây là tiểu đoàn xe tăng duy nhất và đầu tiên có mặt tại Tây Nguyên.
Ngày 2/4/1972, ta mở màn chiến dịch Tây Nguyên với sự ra quân của Sư đoàn bộ binh 320, đánh phá tuyến phòng thủ Tây Pô Kô. Đêm 23/4/1972, từ ngầm sông Pô Kô Hạ, Đại đội 7, gồm 9 chiếc xe tăng T-54 cùng Trung đoàn bộ binh 66 bắt đầu xuất kích.
1 giờ sáng ngày 24/4/1972, xe tăng 377 gồm Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển - Trung đội trưởng Trung đội tăng 3 (trưởng xe), Hạ sĩ Cao Trần Vịnh (lái xe), Hạ sĩ Nguyễn Đắc Lượng và Hoàng Văn Ái (pháo thủ) dẫn đầu tấn công vào hướng đông căn cứ E42-Tân Cảnh, mở màn trận đánh tiêu diệt cụm cứ điểm. Xe tăng số hiệu 377 dẫn đầu đội hình cùng xe 357 cơ động, bắn sập đài quan sát trên tháp nước, cùng bộ binh tiêu diệt địch, đánh thẳng vào sở chỉ huy Trung đoàn 42 bộ binh ngụy, tiêu diệt Đại tá cố vấn Mỹ, Đại tá Lê Đức Đạt và bắt sống Đại tá Vi Văn Bình.
Ngay chiến thắng đầu tiên, Trung đội xe tăng 3 gồm 3 xe tăng 377, 354, 369 và 1 xe cao xạ tự hành ZSU-57-2 số hiệu 472, nhận lệnh xuất kích tấn công căn cứ Đắc Tô 2 cùng Trung đoàn bộ binh 1 của Sư đoàn 2. Dù pháo binh và máy bay địch tấn công dữ dội nhưng xe 377 dẫn đầu đội hình tiến công cùng 2 xe 354 và 369 tăng tốc lao về cứ điểm địch. Hỏa lực dữ dội của địch khiến xe tăng 354 và 369 không theo kịp xe tăng 377 (đang dẫn đầu). Địch phát hiện chỉ có 1 xe tăng 377 của ta tiếp cận căn cứ, liền tung 10 xe tăng M-41, M-24 chia làm 2 mũi hợp vây. Không hề nao núng, trưởng xe Nguyễn Nhân Triển cùng kíp xe bước vào trận chiến sinh tử 1 chọi 10.
Cuộc đấu tăng diễn ra ác liệt. cơ động chiến đấu trong vòng vây, liên tiếp bắn trúng và tiêu diệt 7 xe tăng địch, làm đội hình địch tan rã trước khi xe tăng 354 và 369 đến tiếp viện, tiêu diệt hết số tăng còn lại của địch. Trong lúc chiến đấu, tăng 377 bị trúng đạn 3 lần, trong đó có 1 phát đạn từ súng chống tăng M72 LAW trúng vào sườn gây cháy xe. Các xe tăng còn lại tiếp tục tiến công, hỗ trợ bộ binh tiêu diệt địch và làm chủ căn cứ Đắc Tô 2.
Tượng đài bất tử trong chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh
Kết thúc trận đánh ác liệt ngày 24/4, các xe tăng của Đại đội 7 về nơi giấu quân, một số xe hỏng được tìm thấy, còn thiếu 2 xe, trong đó có 377. Sáng 25/4/1972, đại tá Đỗ Quang Thành cùng 4 người lên đường tìm 2 tăng còn thiếu. Gần trưa, nhóm tới đầu căn cứ Đăk Tô, thấy một xe tăng của quân giải phóng bị cháy bên đường 18. Bộ đội đến nơi nhận ra tăng 377 nằm trong hõm đất, nòng pháo đang hướng về một tăng M41 đã cháy. Xung quanh có nhiều tăng M41 và M113 của quân Sài Gòn bị cháy, cách tăng 377 khoảng 40 m.
Kiểm tra trong tăng 377, tất cả chỉ còn màu đen ngổn ngang với đạn pháo, vật dụng. Lúc ấy, đại tá Đỗ Quang Thành nhận định và hy vọng, kíp lái tăng bị thương đã thoát khỏi xe, được bộ binh cứu giúp hoặc lưu lạc đâu đó. Chiều hôm sau, 2 chiến sĩ là Nguyễn Hợp Quần (lái tăng 354) và Phạm Hải Dư (tổ thợ của Đại đội tăng 7) cùng kiểm tra tăng 377 để lấy phụ tùng sửa cho tăng khác. Nhìn kỹ vị trí pháo thủ, các chiến sĩ thấy dưới sàn xe có chiếc nắp bút kim tinh màu vàng. Vào kiểm tra kỹ, chiến sĩ Nguyễn Hợp Quần phát hiện các vị trí kíp lái đều có tro cốt nhưng còn rất ít. Đến lúc này, mọi người mới chắc chắn cả kíp tăng 377 đều hi sinh trong xe. Tro cốt của kíp tăng 377 được đồng đội an táng tại Tân Cảnh.
Xe tăng 377 sau khi bị bắn cháy vẫn nằm tại hõm đất tại căn cứ Đăk Tô. 5 năm sau, đến năm 1977, huyện Đăk Tô đưa xe tăng 377 về bảo quản. 18 năm sau, xe được sơn sửa lại và trưng bày tại khuôn viên tượng đài chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh.
Đến nay, phía trước tăng 377 còn vết lõm sâu. Sát vòng tròn ngôi sao bên sườn trái có lỗ rộng xuyên thủng tháp pháo. Trên đầu số 377 cũng có vết lõm do đạo pháo bắn trúng. Trên xe còn hàng chục vết lõm, trầy xước do trúng đạn của đối phương.
Xe tăng T59 số hiệu 377 trở thành tượng đài bất tử trong chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh. Sự hy sinh anh dũng của Kíp xe tăng 377 đã góp phần to lớn và đặc biệt quan trọng vào chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh ngày 24/4 nói riêng và Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972 nói chung. Hiện nay, xe tăng số hiệu 377 được lưu giữ và trưng bày tại khuôn viên tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, tên của 4 anh hùng liệt sĩ được khắc trên bia đặt nơi bệ xe 377. Tượng đài Đăk Tô - Tân Cảnh trở thành "địa chỉ đỏ" tìm đến của các tầng lớp nhân dân Kon Tum nói riêng, cả nước nói chung.
Ghi nhớ chiến công của các chiến sĩ kíp tăng 377, ngày 1/9/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho kíp xe tăng 377 gồm: Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển, Hạ sĩ Nguyễn Đắc Lượng, Hạ sĩ Hoàng Văn Ái và trung sĩ Trần Quang Vịnh. Ngày 30/1/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41 về việc công nhận Bảo vật Quốc gia (Đợt 11), trong đó có xe tăng T59, số hiệu 377.