'Công cụ' quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính

Hiện nay, theo quy định, số lượng người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ trung ương đến địa phương rất lớn, thực thi thẩm quyền xử phạt trong tất cả các ngành, lĩnh vực, liên quan trực tiếp đến quản lý hành chính công.

Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không ít trường hợp xử lý không chính xác. Do vậy, việc xây dựng Nghị định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sẽ hình thành cơ chế, công cụ để quản lý lực lượng này, bảo đảm quyền và lợi ích của công dân.

Nhiều trường hợp áp dụng không chính xác

Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) có đề cập đến việc kiểm tra một số nội dung thi hành pháp luật (THPL) về XLVPHC. Nghị định số 81/2013/NĐ-CP cũng quy định phương thức kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC còn thiếu nhiều quy định cơ bản. Trong đó, thiếu quy định về xử lý kỷ luật người có thẩm quyền trong thực thi công vụ gắn với các hành vi, nhóm hành vi vi phạm điển hình.

Theo Bộ Tư pháp, Luật XLVPHC quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của 183 chức danh (chưa kể các chức danh có chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành do Chính phủ quy định).

Nhưng trên thực tế, số lượng người có thẩm quyền xử phạt từ trung ương đến địa phương rất lớn, thực thi thẩm quyền xử phạt trong tất cả các ngành, lĩnh vực, liên quan trực tiếp đến quản lý hành chính công. Ngoài ra, còn một lực lượng không nhỏ người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính bên cạnh những người có thẩm quyền xử phạt.

Nhìn nhận một cách khách quan, xuất phát từ nhiều nguyên nhân (trình độ, năng lực của người thi hành công vụ, pháp luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng…) có không ít trường hợp người có thẩm quyền về xử lý vi phạm hành chính áp dụng và THPL về XLVPHC không chính xác, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân, cụ thể như: xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Luật; áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính; giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính…

Ngoài ra, thông qua hoạt động kiểm tra, qua công tác theo dõi chung và tổng hợp báo cáo công tác THPL về XLVPHC trên toàn quốc, bước đầu, Bộ Tư pháp đã tổng hợp, hệ thống và xác định được một số sai phạm phổ biến của người có thẩm quyền

Kỷ luật: Có thể buộc thôi việc

Mặc dù hiện nay, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (Luật Cán bộ, công chức); Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 về xử lý kỷ luật đối với công chức và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức đã quy định về việc xử lý kỷ luật của cán bộ, công chức vi phạm trong thi hành công vụ nói chung, tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể, kết nối các chế tài này gắn với các hành vi vi phạm cụ thể của người có thẩm quyền là cán bộ, công chức, viên chức, trong THPL về XLVPHC.

Trong khi đó, xử lý vi phạm hành chính là một lĩnh vực mang tính đặc thù, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân. Do vậy, việc xây dựng Nghị định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về XLVPHC sẽ hình thành cơ chế, công cụ để quản lý lực lượng này, bảo đảm tính răn đe và duy trì trật tự, kỷ cương trong thi hành công vụ, bảo đảm quyền và lợi ích của công dân cũng như hiệu quả thi hành pháp luật nói chung.

Dự thảo Nghị định quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền THPL về XLVPHC bao gồm 7 hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, miễn nhiệm, buộc thôi việc, tương ứng với từng hành vi vi phạm pháp luật cụ thể.

Giải pháp này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xem xét, xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền, là khung để áp dụng thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực pháp luật về XLVPHC, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, doanh nghiệp

Việc quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục, hình thức, cách thức tổ chức kiểm tra, thực hiện kết luận kiểm tra; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kết luận kiểm tra cũng như các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong THPL về XLVPHC gắn với các chế tài xử lý kỷ luật cụ thể sẽ góp phần giảm thiểu, hạn chế hành vi vi phạm của người thi hành công vụ trong THPL về XLVPHC.

Việt Hòa

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/cong-cu-quan-ly-nguoi-co-tham-quyen-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-334913.html