Cổng Đá 'tỉnh giấc'

Bản Cổng Đá thuộc thôn 3 - Thái Bình, xã Thái Sơn (Hàm Yên) nằm trên ngọn núi Chọng Át cao vút tầm mắt. Người Dao nơi đây từng sống với niềm tin về sự chở che của vị thần cư ngụ nơi tảng đá đầu làng. Để rồi suốt bao năm, nó như rào cản, ngăn người dân giao tiếp với thế giới bên ngoài. Và hành trình phá bỏ cổng đá để làm con đường bê tông xuống núi đã giúp bản vùng cao 'tỉnh giấc'…

Chuyện về núi Chọng Át

“Bàn xàn” tiếng Dao nghĩa là cổng đá nhưng nó không phải là một cổng bằng đá bình thường. Tảng đá xám sần sùi, cao dựng đứng, có một lỗ hổng chỉ đủ 1, 2 người chui qua mỗi khi đi xuống núi hoặc trở về nhà. Chiếc cổng thành vững chãi chở che bản làng từ ngày khai sơn lập địa. Mỗi dịp lễ Tết bà con cùng nhau dâng lễ thờ thần đá và kể cho nhau nghe câu chuyện ly kỳ về mảnh đất này.

Người Dao bản Cổng Đá thuộc thôn 3 - Thái Bình, xã Thái Sơn (Hàm Yên) trên con đường bê tông sạch đẹp.

Theo lời ông Bàn Văn Pao, tương truyền rằng nơi đây từng được các nàng tiên nhà trời chọn làm chỗ dừng chân khi dạo chơi trần gian. Các nàng mở tiệc, hát, múa tạo nên khung cảnh hư ảo tuyệt đẹp. Năm ấy, vì vương vấn, yêu thích với chốn trần gian nên có hai nàng tiên trốn Ngọc Hoàng xuống lại nơi này. Bị phát hiện, hai nàng bị vua cha phạt biến thành 2 con vịt có bộ lông trắng muốt, mỏ đỏ, chân vàng. Chiếc cổng đá cũng hình thành từ đó để canh giữ hai chú vịt. Vì thế núi được đặt tên Chọng Át, trong tiếng Dao nghĩa là Núi Vịt.

Đầu thập niên 80, 12 hộ dân người Dao từ Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ (Hà Giang) lên Chọng Át lập nghiệp và lấy tên bản là Cổng Đá. Chiếc cổng đá ngay đầu bản được ví như là bức tường thành vững chãi đầy uy nghiêm. Ông Đặng Văn Tỉn kể rằng, cổng đá khá bé đến mức nếu người trong bản đi chăn trâu, lỡ để trâu ăn no quá thì trâu không chui lọt được.

“Ngày đấy, để lên được bản phải vượt con dốc dài đầu gối chạm ngực, bên núi, bên vực cheo leo hiểm trở. Bản Cổng Đá là bản trắng khi không điện lưới, không đường. Bà con nơi đây sống cô lập trên núi cao, ít giao tiếp với thế giới bên ngoài. Dẫu chỉ cách chân núi gần 1 km nhưng để xuống được thì cũng là cả một thách thức với người lớn, thế nên để trẻ con xuống núi đi học thì hiểm nguy rình rập”. Nhớ lại ngày đó, Phó trưởng thôn Lý Văn Tôn, giọng như chùng xuống.

Hóa giải lời nguyền

Ước mơ có con đường bê tông vượt núi là nỗi khát khao của dân bản, thế nhưng muốn làm đường thì phải phá cổng đá. Mà cổng đá là cổng của nhà trời, không ai dám phá, trời bắt tội chết. Người trong bản nháo nhác cả lên.

Một cuộc họp, hai cuộc họp… đều đi vào ngõ cụt. Khó thật, cả các bậc bô lão trong bản như Lý Văn Hùng, Lý Văn Tôn, Đặng Văn Tỉn… trăn trở lắm. Ngày ngày, trẻ con người Dao muốn xuống núi học chữ; các chị em thì muốn xuống núi đi chợ mua bán. Thanh niên trai tráng thì chỉ ước ngồi trên chiếc xe đạp phóng vèo sang làng bên chứ mỗi lần đi xa phải vác chiếc xe đạp tới chân núi. Khổ quá rồi!

Người Dao bản Cổng Đá thuộc thôn 3 - Thái Bình, xã Thái Sơn (Hàm Yên) phát triển kinh tế từ cây mía.

Người Dao bản Cổng Đá thuộc thôn 3 - Thái Bình, xã Thái Sơn (Hàm Yên) phát triển kinh tế từ cây mía.

Cán bộ xã đã xuống tận nơi giải thích cái thuận lợi khi có con đường thông suốt bà con “thấm” hết lượt. Đến lúc tính chuyện phá cổng đá thì ai nấy đều lảng tránh, sợ hãi. Vậy là, các cán bộ xã và cán bộ thôn đồng lòng đứng ra chịu trách nhiệm trước bản làng.

Ngày đội làm đường lên cho mìn nổ, cả bản - từ người già đến trẻ con đóng cửa nằm im trong nhà vì sợ hãi… Nhiệm vụ hoàn thành, chiếc cổng đá đã được giải phóng, sau một thời gian mọi người vẫn thấy việc làng, việc bản đều êm xuôi. Bà con dần tin theo và lời nguyền năm nào đã được hóa giải.
Khi lòng dân đã thuận, năm 2011, thôn cùng cán bộ địa chính xây dựng xã khảo sát điều chỉnh tuyến đường lên núi. Cả tuyến dài 800 mét, trong đó có hơn 300 mét đường dốc dựng đứng, nhiều đoạn đường hẹp, cong cua triển khai làm trước.

Năm đó mỗi hộ đóng góp 2 triệu đồng để mua xi măng, vật liệu xây dựng để làm tuyến đường này. Những triền dốc cao ngất cũng được hạ thấp hơn để bớt nguy hiểm. Sau này, khi nhà nước hỗ trợ xi măng theo tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” người dân Cổng Đá nhanh chóng hoàn thành toàn tuyến với hơn 1.000 mét.

Con đường no ấm

Mùa này ở bản Cổng Đá, trên các sườn đồi trắng một màu hoa mận. Bên những mái nhà trình tường truyền thống có nhiều ngôi nhà xây 2 tầng kiên cố, hiện đại. Giữa lưng chừng núi, bản Cổng Đá trông thật thanh bình, yên ấm.

Trưởng thôn trẻ Triệu Văn Liêm cho biết, từ ngày có đường bê tông, khát vọng mở mang kinh tế như được nhân lên. Cổng Đá thực sự là mảnh đất thiêng đã mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản. 100% các hộ có điện sinh hoạt, có phương tiện nghe nhìn, đi lại và máy móc phục vụ nông nghiệp. Bản hiện chỉ còn 3 hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá chiếm 40%. Tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ, bà con đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trồng mía, cây ăn quả, vườn rừng… phát triển kinh tế. Bản hiện có 12 ha mía, 7 ha cam… Bên cạnh đó, người dân còn dựa vào lợi thế đất đồi rộng, nguồn cỏ, thực phẩm tự nhiên sẵn có, tận dụng phát triển chăn nuôi trâu, gà, lợn, đặc biệt là phát triển đàn trâu để lấy sức kéo. Hiện cả bản có gần 50 con trâu.

Nhờ đi đúng hướng nhiều hộ có thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm từ trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó, tiêu biểu như các gia đình: Bà Đặng Minh Xuân; các ông Đặng Văn Tịn, Bàn Văn Pao, Đặng Văn Lìn... Đến thăm gia đình anh Bàn Văn Toàn, trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, thoáng đãng, anh chia sẻ, nhà có khoảng 4 ha mía, 2 ha đồi keo. Mỗi năm, ngoài thu nhập từ vườn rừng, gia đình anh tập trung vào chăn nuôi trâu, vịt…

Hiện nay, bản Cổng Đá đang mở rộng diện tích trồng cam. Bản hiện có 10 ha cam. Trong đó, gia đình anh Bàn Văn Pao từng là hộ nghèo nhưng giờ đây vợ chồng anh sở hữu 1.000 gốc cam 4 năm tuổi. Năm ngoái, gia đình anh thu được 200 triệu đồng, sắm thêm được chiếc xe máy xịn để thi thoảng đèo nhau ra chợ huyện chơi. Vừa qua, có người tận thành phố Tuyên Quang lên đặt vấn đề mua lại vườn cam với giá 600 triệu đồng, nhưng anh bảo để nhà mình tự làm thôi.

Con cháu bản Cổng Đá giờ được học nhiều. Hiện nay cả bản đã có 10 người đã và đang học tại các trường cao đẳng, đại học trong nước. Nhiều em tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm ổn định như: Đặng Phó Tình, Đặng Thị Mủi, Đặng Thị Thanh, Đặng Thị Mai, Đặng Thị Sinh… Anh Đặng Phó Tình hiện là giáo viên tiểu học tại xã Cao Mã Pờ, Quản Bạ (Hà Giang). Anh Tình chia sẻ, tốt nghiệp trường Đại học Tân Trào anh xin lên miền núi để công tác. Đối với anh niềm hạnh phúc là được cống hiến sức trẻ cho quê hương đất nước.

Cổng đá ngay đầu bản nay vẫn còn một số vết tích cũ. Đến giờ, những câu chuyện ly kỳ về gốc tích tên gọi của bản cùng với hành trình chinh phục vùng đất khó vẫn thường được người già kể lại cho con cháu nghe. Tất cả như là lời nhắc nhở hướng con cháu về với cội nguồn, tiếp bước làm giàu, xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc.

Phóng sự: Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xay-dung-nong-thon-moi/cong-da-tinh-giac-129320.html