Công dân 5 quận Thủ đô: Đủ combo hít khói thủy ngân, uống nước váng dầu?
Một loạt câu chuyện mới xảy ra gần đây: Ô nhiễm do bụi mịn; Cháy Nhà máy Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông và mới nhất là vụ hàng vạn người dân dùng nước bị nhiễm dầu thải từ Nhà máy nước sạch Sông Đà cho thấy, không phải nơi nào khác mà chính Thủ đô Hà Nội có lẽ đang là nơi ô nhiễm nhất.
Những người dân đã sinh sống nhiều năm ở Hà Nội chắc đều tin rằng, họ đang phải chung sống với tình trạng ô nhiễm môi trường dưới nhiều dạng khác nhau: Không khí, nước, chất thải, rác thải...
Ai cũng đã thấy: Sông Kim Ngưu, Sông Tô Lịch, Sông Nhuệ... nhiều năm nay luôn đen đặc, bốc mùi hôi thối như thế nào. Ai cũng đã thấy, tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề thế nào, bởi tình trạng xây dựng bùng nổ; hàng triệu phương tiện xe máy, ô tô dùng nhiên liệu xăng dầu... xả khói đen đặc hàng ngày. Phía ngoại thành, nhiều người dân cứ hết vụ lúa là đốt rơm rạ cháy rừng rực hàng tuần, hun khói vào thành phố....
Nhưng cho đến những sự cố về môi trường gần đây, cảm giác như tình trạng ô nhiễm đã rất nghiêm trọng (các số liệu về tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội được đo đếm, công bố công khai), càng đến mức tệ hại khó có thể chịu đựng hơn được nữa.
Thứ nhất là sự cố cháy kho chứa nguyên liệu và sản phẩm của Nhà máy Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông cách đây khoảng hơn một tháng làm cho hàng chục kg thủy ngân bị phát tán ra môi trường khiến hơn 100 người dân bị nhiễm độc phải đi khám, điều trị.
Những hậu quả to lớn khác từ vụ cháy này: Lượng thủy ngân phát tán ra không khí, môi trường nước... cho đến nay vẫn chưa được công bố đầy đủ. Nhưng nhiều khả năng, mức độ độ chưa dừng ở mấy con số thống kê thiệt hại ban đầu của cơ quan quản lý.
Vụ việc trên chưa nguôi thì cuối tuần trước, sự cố hệ thống cung cấp nước sạch của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) bị nhiễm bẩn do dầu thải (đổ trộm) gần kênh dẫn nước nhà máy này lại gây lên nỗi hoảng sợ mới.
Hàng vạn người dân khu vực các quận, huyện: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông cho đến giờ này, nhiều nhà phải bỏ tiền mua nguồn nước sạch khác về dùng. Nhiều gia đình vẫn phải sử dụng nước bị ô nhiễm đó mà không biết mức độ độc hại cho sức khỏe như thế nào.
Và cho đến giờ này, cũng như sự cố cháy ở Nhà máy Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông, mặc dù cơ quan chức năng có nơi đã thừa nhận nguyên nhân xảy ra sự cố, nhưng một loạt các thông tin cần thiết khác: Mức độ ô nhiễm, cách xử lý hậu quả, phòng ngừa độc hại để bảo vệ sức khỏe cho người dân thế nào, vẫn chưa được cơ quan nào thông tin cụ thể.
Có không biết bao nhiêu người dân 5 quận nói trên hàng ngày đang phải chung sống với tắc đường, khói bụi, ô nhiễm nhưng với những sự cố nghiêm trọng mới thì rõ ràng, nhiều người đã và đang phải: Hít khói thủy ngân, uống nước váng dầu.
Còn những cơ quan, những cán bộ, công chức có trách nhiệm quản lý về môi trường, qua hàng loạt vụ việc xảy ra, chưa thấy ai bị kiểm điểm, kỷ luật gì và cũng không thấy có những phương án, giải pháp gì tích cực được đưa ra để xử lý, giải quyết tình trạng ô nhiễm hiện hữu; chứ chưa nói gì đến những giải pháp lớn phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường có nguy cơ còn xấu đi, nặng nề hơn trong tương lai.